Đêm 13/4/2011, chiếc ôtô đang chạy trên đường cao tốc từ Quảng Châu đến Thâm Quyến, đột nhiên một cục bê tông cỡ nắm đấm từ phía trước bay tới, xuyên thủng kính chắn gió đập thẳng vào má trái người phụ nữ ngồi trên ghế phụ lái. Tài xế lập tức đưa nạn nhân vào viện cấp cứu, nhưng người phụ nữ không qua khỏi.
Trước lúc lâm chung, người phụ nữ để lại di nguyện hiến giác mạc cho người khác. Nhưng vì dính dáng đến vụ án hình sự, thời gian điều tra và thu thập chứng cứ của cảnh sát vượt quá 12 giờ nên không thể hiến tặng được nữa.
Thấy di nguyện của cô không thể được thực hiện, các nhân viên y tế đều không cầm được nước mắt. Năm năm trước, chồng của nạn nhân cũng đã hiến tặng giác mạc khi qua đời. Các bác sĩ đều nhớ rất rõ, vì vợ chồng cô đều có thân phận đặc biệt tại thành phố Thâm Quyến.
Người phụ nữ này là Hình Đan, vợ của ca sĩ nổi tiếng Tùng Phi. Tùng Phi sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại tỉnh Liêu Ninh nên sau khi nổi tiếng đã dốc sức làm từ thiện. Trong một lần đi công tác, Tùng Phi quen tiếp viên hàng không Hình Đan, người rất khâm phục nghị lực và thiện tâm của Tùng Phi.
Sau khi thành vợ chồng, hai người tiếp tục cùng nhau giúp đỡ trẻ em ở các vùng núi nghèo khó. Họ từng tổ chức hơn 400 buổi biểu diễn từ thiện, tổ chức các hoạt động công ích phục vụ vùng núi nghèo khó với tổng thời gian hơn 6.000 tiếng, số tiền quyên tặng lên đến hơn 3 triệu nhân dân tệ.
Để có thời gian cùng chồng đi làm từ thiện, Đan bỏ công việc tiếp viên hàng không, theo chồng bôn ba khắp các vùng núi non hiểm trở, tự tay chọn lựa đồ dùng học tập và quà cho trẻ em nghèo.
Năm 2005, Đan và Phi chào đón con gái đầu lòng. Hạnh phúc chưa được bao lâu, Phi phát hiện bị ung thư dạ dày, sức khỏe ngày càng sa sút. Chưa đến một năm sau, anh đã qua đời khi vợ mới 24 tuổi, con gái còn chưa biết nói.
Sau khi anh mất, Đan vẫn thực hiện nguyện vọng của chồng, tiếp tục bôn ba khắp nơi để giúp đỡ trẻ em nghèo. Không ngờ sáu năm sau, cô lại gặp nạn trên đường đi làm từ thiện về.
Đoạn đường cao tốc này không có camera giám sát. Một tài xế cần cẩu nói với cảnh sát, đêm hôm đó có ba cậu bé xuất hiện bên đường cao tốc vào thời điểm xảy ra tai nạn. Tài xế thấy ba cậu bé có vẻ rất căng thẳng, lấm lét nhìn nhau, động tác hút thuốc rất mất tự nhiên, nhưng chưa kịp hỏi thêm gì thì cả ba đã vội vã đi mất. Sau hai ngày điều tra, cảnh sát xác định được danh tính của ba cậu bé, gồm Kiện 15 tuổi, Thành 17 tuổi và Tuyền 19 tuổi, đều ở thôn gần đó.
Nhà Kiện là một trong những gia đình nghèo nhất thôn, không những thu nhập ít ỏi mà bố còn mắc bệnh tâm thần. Lúc Kiện còn nhỏ, trong một lần lên cơn, bố Kiện phóng hỏa đốt nhà cháy rụi. Mẹ Kiện không chịu được cuộc sống như vậy, bỏ chồng bỏ con mà đi, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm Kiện.
Không có tiền đi học, không có người dạy dỗ, Kiện ngày càng trở nên nghịch ngợm. Cậu thường xuyên trộm cắp vặt trong thôn, sau đó còn đến công trường lấy trộm sắt bán lấy tiền, giao du với đám bất hảo.
Tình hình của Tuyền cũng không khác Kiện là mấy, mẹ và em trai đều thiểu năng trí tuệ, bố cũng không có công việc thu nhập ổn định, chỉ nhặt rác nuôi sống gia đình. Bố gần như dành toàn bộ tinh thần và sức lực cho mẹ và em trai, không có thời gian trông coi Tuyền. Khi đi học, Tuyền thường xuyên bị bạn bè chế nhạo vì có mẹ và em trai không bình thường, trở nên ngày càng tự ti, tính tình nổi loạn.
Còn Thành từng là một trong những học sinh xuất sắc nhất trường tiểu học, nên có một tiền đồ rất tốt. Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi mẹ Thành tái giá, tập trung chăm lo cho gia đình mới, không có để ý đến con.
Hoàn cảnh gần như giống nhau khiến ba cậu bé nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, rủ nhau ra ngoài làm thuê kiếm tiền. Ban đầu ba đứa trẻ đến một xưởng giầy, do không có tay nghề, chỉ được phân làm các việc vừa bẩn vừa mệt, mỗi ngày phải làm mười mấy tiếng đồng hồ mà tiền lương lại thấp.
Sau đó chúng đổi hết nhà xưởng đến nhà xưởng khác, nhưng đều không chịu nổi áp lực công việc, mỗi nơi đều chỉ làm được mười ngày nửa tháng là lại bỏ việc.
Ngày 13/4, vì bỏ bê công việc, ba thanh thiếu niên bị công trường sa thải nên không có việc gì, đi lang thang dọc đường cao tốc, nhìn xe cộ chạy trên đường. Thành chợt này ra một ý, đề nghị ném đá xe ôtô, thi xem ai ném trúng nhiều xe hơn.
Ban đầu, ba cậu bé chỉ ném những viên đá nhỏ, một số xe bị ném trúng nhưng không hư hỏng nhiều, tài xế cũng không dừng lại truy cứu. Điều này khiến cả ba ngày càng liều lĩnh, cuối cùng Kiện cầm lên một cục bê tông bằng nắm đấm ném về phía chiếc xe đang chạy tới. Thấy chiếc xe phanh gấp và có tiếng la hét, tất cả sợ hãi chạy trốn để tránh bị phát hiện.
Do khi đó Kiện mới 15 tuổi, còn là vị thành niên nên cuối cùng bị tuyên án 12 năm tù vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Thành là kẻ đưa ra ý tưởng, phải nhận mức án 10 năm tù, còn Tuyền cũng phải ngồi tù 6 năm. Ngoài ra, tòa còn yêu cầu ba bị cáo bồi thường cho người nhà của người bị hại 968.000 tệ. Gia đình ba bị cáo đều rất nghèo, không thể bồi thường.
Cha mẹ của Hình Đan đáng lẽ rất căm hận nhưng lại chỉ lặng lẽ thừa nhận nỗi đau mất con, thông cảm với hoàn cảnh của các bị cáo. Theo họ, con gái họ đã hiến dâng cả đời cho sự nghiệp hỗ trợ trẻ em nghèo, mục đích chính là hi vọng càng ngày càng nhiều trẻ em nghèo có thể thay đổi cuộc sống, tránh lầm đường lạc lối.
Sau khi Hình Đan qua đời, con gái của hai người trở thành tiêu điểm quan tâm của xã hội. Thành phố Thâm Quyến đưa ra một kế hoạch chăm lo cho cô bé, nhận các khoản quyên góp để bảo đảm cuộc sống cho cô bé cho đến năm 22 tuổi.
Khang Diệp (Theo Toutiao)