Sáng 4/4, bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ông Hoàng Đức Thắng cho rằng dù chỉ số ít, vụ nữ sinh ở Hưng Yên đánh hội đồng bạn, thầy giáo ở Bắc Giang sàm sỡ học sinh... đã ảnh hưởng đến hình ảnh ngành giáo dục. Thời điểm này nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nội dung lâu nay là điểm yếu, ít được quan tâm.
Một đại biểu TP Hà Nội góp ý, cần tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường, đội ngũ chuyên trách. Giáo viên chủ nhiệm phải được bổ sung kiến thức về tâm lý học đường, tâm lý học lâm sàng. Một số trường ở Hà Nội đã có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý, làm việc rất hiệu quả. Họ nhận diện những em có biểu hiện bất thường, từ đó đề ra hướng hỗ trợ.
"Muốn giải quyết thật tốt vấn đề này giáo viên cần lấy người học làm trung tâm, không coi chỉ đến lớp để truyền thụ văn hóa mà phải quan tâm đến người học ở góc độ quyền con người, kể cả tâm sinh lý", đại biểu Hà Nội nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, các quy định cũng như việc giáo dục, tuyên truyền cho học sinh để ngăn chặn bạo lực học đường đã được thực hiện nhiều năm qua. Các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn, đội hay trong tiết học giáo dục công dân... đã kết hợp giảng dạy để học sinh phòng tránh.
Để có môi trường giáo dục thân thiện, ông Nhạ cho rằng cần sự đồng hành của cả thầy và trò. Việc giáo dục phải rất nhẹ nhàng, từng bước, trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Việc nêu gương để học sinh làm theo là giải pháp tốt. Bên cạnh việc tạo điều kiện để những bạn tốt trong lớp giúp đỡ bạn yếu thì những buổi trò chuyện của người nổi tiếng như nghệ sĩ, ngôi sao, cầu thủ bóng đá... cũng đem lại hiệu quả.
"Để phòng chống bạo lực học đường cần sự vào cuộc của cả xã hội, trong đó những người có tầm ảnh hưởng, là thần tượng tốt, tấm gương tốt cần được nêu lên cho học sinh noi theo. Nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến các cháu như Khá 'Bảnh' thì rất nguy hiểm", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường tiết học có lồng ghép nội dung ngăn chặn bạo lực học đường, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Riêng về phòng tránh xâm hại học đường, Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn tâm lý học đường, tới đây sẽ chỉ đạo các sở, trường đẩy mạnh, tăng cường việc giáo dục, phổ biến kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh xâm hại nơi công cộng.
Trưa 1/3, ông Dương Trọng Minh, giáo viên Trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Ninh) đến uống rượu ở nhà phụ huynh. Khoảng 15h, ông Minh về lớp dạy phụ đạo cho học sinh. Quá trình dạy, ông đã véo tai, véo mũi, dí tay vào vai, xoa lưng, vỗ mông một số học sinh. Công an huyện kết luận chưa đủ căn cứ chứng minh ông Minh có hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi.
Sau giờ tan học chiều 22/3, nhóm 5 nữ sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đã đóng cửa, lột đồ, đánh đập một bạn cùng lớp. Video ghi lại cho thấy, nhóm nữ sinh liên tiếp đấm đá vào mặt và ngực bạn học mà không có ai can ngăn, không có sự phản kháng nào.
Ngày 1/4, Ngô Bá Khá (26 tuổi, Bắc Ninh) bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt để điều tra hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Khá nổi danh trên mạng xã hội với tên Khá "Bảnh", được nhiều người trẻ hâm mộ, tung hô, dù có ba tiền án, tiền sự về tội Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng. Trong tháng 3, hai lần Khá bị công an lập biên bản hành chính do đốt xe máy rồi quay video; dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.