Dưới đây là chia sẻ của anh Phan Anh Dũng, 47 tuổi, hiện sống tại TP HCM:
Năm 2010, tôi mua được một miếng đất 3,5 x 17 m trong một con hẻm nhỏ ở quận 7. Ít tiền mà muốn ở nhà đất, tôi đành chấp nhận chui vào hẻm 2 mét. May mắn sau đó, địa phương khuyến khích người dân lùi nhà vào để mở rộng đường. Đến giữa 2016, hẻm nhà tôi đã thực sự thành hẻm xe hơi. Trước đây, lúc xây nhà, tôi chừa một khoảnh phía trước (sâu 3 mét) làm sân để xe máy. Sau khi hiến 1,5 mét đất làm đường, phần sân còn lại tôi dùng làm vỉa hè trước nhà.
Ngay khi có thể đi ôtô về tận cửa, tôi đã tính đến việc mua xe hơi. Đầu năm 2017, với 900 triệu tiết kiệm, tôi mua một chiếc xe 5 chỗ hết 700 triệu với kích thước 4m4 x 1m7 x 1m47 và bỏ ra 200 triệu sửa nhà để có chỗ cất xe. Kinh phí hạn hẹp, tôi sửa không nhiều, biến phòng khách ở tầng trệt thành nhà để xe, chuyển đổi phòng ngủ và phòng làm việc cho hợp lý.
Tuy nhiên, tôi đã phải bán xe sớm sau nửa năm mua vì những bất tiện do nhà nhỏ, hẻm chật đem lại.
Đầu tiên là việc chuyển đổi các phòng khiến cuộc sống của chúng tôi hơi bí bách. Trước đây có phòng làm việc riêng, giờ vợ chồng tôi phải mang máy tính vào phòng ngủ, người này làm việc khuya thì người kia phải đeo kính ngủ để ngủ. Hơn nữa, ngủ ngay gần chỗ để xe cũng có cảm giác ngột ngạt.
Vấn đề thứ hai là hẻm nhỏ nhưng không phải là hẻm cụt nên người qua lại khá đông, mỗi lần lùi xe vào nhà hay lái xe ra khỏi nhà, tôi đều phải nhìn trước ngó sau, trung bình mất khoảng 10 phút, trong khi với xe máy vô cùng đơn giản. Đặc biệt, hôm nào đường cái bên ngoài tắc, mọi người đi vào hẻm nhà tôi tránh tắc thì có khi nửa tiếng đồng hồ tôi không đưa được xe vào nhà.
Ngoài ra, hẻm nhỏ, nhưng hàng quán khá sầm uất, nhà mở tiệm tạp hóa, nhà hớt tóc, nhà bán quán cà phê... khiến chướng ngại vật trên đường về nhà khá nhiều. Nếu đi đâu vội, tôi xác định khỏi đi ôtô mà chạy xe máy cho nhanh, vì con hẻm dài hơn 500 mét.
Không gian chật hẹp khó lùi xe, nên ngồi trên ôtô, tôi đã kịp phá hỏng vài thứ xung quanh. Một lần, tôi đâm vào chiếc xe máy của vợ để trong nhà. Vài lần, tôi va quệt với tường, cửa và cột điện trước cửa nhà làm móp đầu xe. Một lần, tôi xô suýt đổ cổng nhà hàng xóm.
Trước đây thu nhập hai vợ chồng tổng cộng 35-40 triệu/tháng, nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học, chúng tôi vẫn có thể tích lũy chút đỉnh. Từ ngày có ôtô thì vợ chồng tôi luôn trong tình trạng chờ lương vì số tiền dành cho xe còn tốn hơn nuôi một người. Ngoài những khoản xăng xe, bảo hiểm, tiền đỗ nơi công cộng... như thông thường, chúng tôi còn mất kha khá tiền sửa vì những hỏng hóc mình gây ra khi cầm lái.
Vì vậy, sau một sự cố khi đang đưa xe vào nhà, tôi đã quyết định bán xe. Hôm đó, tôi đang lùi vào nhà, mới được nửa xe thì bất ngờ xe trượt dốc. Đúng lúc đó, một người đi đường vội vã lao xe máy qua. Dù tôi kịp phanh lại nhưng vẫn đâm phải xe máy của người ta. May sao người đó không bị thương nặng, ngã xước chân và vỡ một phần yếm xe máy. Chiếc xe được bán ngay để tránh gây thêm tai nạn nữa.
Theo anh Nguyễn Huy Cường, một tài xế hơn 10 năm kinh nghiệm tại TP HCM, để có thể đưa xe từ nhà ra đường hoặc từ đường vào nhà cần một góc cua 45 độ, chiều rộng tối thiểu của cửa nhà xe cần lớn hơn chiều rộng của xe khoảng 50 cm. Đưa xe 4 chỗ vào bãi đỗ công cộng thường dễ hơn tại nhà vì một ô này được làm chung cho cả xe 4 - 7 - 9 chỗ. Về lý thuyết và với những tay lái lành nghề thì nhà mặt tiền 3 mét, hẻm 4 mét là hoàn toàn có thể đưa xe vào nhà. Nhưng thực tế, với những người tay lái non, việc va chạm khi không gian quá chật thường xuyên xảy ra.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP HCM) bổ sung, để có một chỗ đậu xe hơi trong nhà, cần một diện tích tối thiểu là 3 x 5m. Ông nhận xét quan niệm "nhà lầu xe hơi" là cái đích mà nhiều người lập nghiệp đặt mục tiêu. Nhiều người cố sắm xe hơi để thể hiện đẳng cấp hơn là quan tâm xem tiện ích của nó như thế nào đối với mình, họ sắm xe dù nhà cửa chưa thật sự thoải mái để đậu chiếc xe một cách thuận tiện.
"Khi tư vấn cho khách hàng việc thiết kế chỗ đỗ ôtô trong nhà, tôi luôn phân tích có cần thiết phải sắm xe hơi hay không khi nhà quá chật, đưa được chiếc xe vào nhà rất khó khăn. Tôi luôn khuyên khách hàng cân nhắc đến tần suất sử dụng. Liệu chiếc xe có cần thiết để phục vụ công việc hàng ngày hay không", kiến trúc sư Truyền chia sẻ.
Thái Bình (ghi)