Những ngày cuối năm là thời điểm nhiều người bắt đầu lập kế hoạch, mục tiêu cho năm mới. Đây là thói quen giúp họ cảm thấy hứng khởi, tràn đầy hy vọng ở thời điểm chuyển giao. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ khoảng 9% người Mỹ hoàn thành các mục tiêu đó, 23% từ bỏ mục tiêu vào cuối tuần đầu tiên của năm mới, 43% lãng quên chúng vào cuối tháng 1.
Michelle Turk, chuyên gia trị liệu tâm lý, hôn nhân và gia đình cho biết không thực hiện được mục tiêu hoặc cố tuân thủ những mục tiêu quá nghiêm ngặt đều tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
"Chúng dẫn đến cảm giác thiếu thốn, gây tổn hại đến lòng tự trọng, khiến mọi người tự dằn vặt. Các mục tiêu quá khắt khe thường gây lo lắng và căng thẳng. Thất bại lặp đi lặp lại ở những mục tiêu này khiến nhiều người tin rằng bản thân kém cỏi, trở nên chán nản", bà giải thích.
Để giải quyết vấn đề, chuyên gia Turk đưa ra một số lời khuyên trong quá trình đặt mục tiêu.
Bỏ qua những mục tiêu quá khó khăn
Nicholette Leanza, cố vấn lâm sàng của trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần PlushCare, khuyến nghị mọi người chuyển trọng tâm từ mục tiêu quyết liệt, hà khắc, "được ăn cả ngã về không" thành các dự định nhỏ, dễ thực hiện, góp phần tạo nên thành công lớn. Ví dụ, thay vì lên kế hoạch giảm một số cân nhất định, bạn đặt mục tiêu tập luyện 20 phút mỗi ngày, bà gợi ý.
"Hãy chọn một loại hoạt động bạn thực sự yêu thích. Không nên chỉ tập trung vào mục tiêu cuối cùng về thể chất, hãy chú ý đến cả sức khỏe tổng thể của mình", bà nói,
Theo bà, điều quan trọng là tiếp cận các giải pháp với tư duy lành mạnh và kỳ vọng thực tế. Quá khắt khe với bản thân hoặc đặt ra những kế hoạch không thể đạt được thường có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Thay vào đó, mọi người có thể luyện tập hình thành lòng trắc ẩn với bản thân, tự thừa nhận rằng lộ trình tiến bộ không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng.
Linh hoạt về khung thời gian
Bà Nicholette nhận định các mục tiêu năm mới không nên giới hạn vào thời điểm đầu năm.
"Thay chỉ hạn chế uống rượu trong tháng Giêng, hãy uống một cách chừng mực, có kiểm soát suốt cả năm, nuôi dưỡng lối sống tỉnh táo thay vì chỉ kiêng khem tạm thời", bà ví dụ.
Theo chuyên gia Turk, điều quan trọng là kết hợp các mục tiêu một cách linh hoạt, điều chỉnh chúng khi cuộc sống phát triển theo từng năm.
Không cố gắng để trở nên tích cực 100%
Leanza cho biết "Sống tích cực" là mục tiêu năm mới phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, bà cảnh báo đây là dự định phi thực tế.
"Cố gắng tỏ ra tích cực 100% sẽ biến sự tích cực đó thành độc hại. Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, gồm cả những cảm xúc không quá tích cực cũng không sao. Việc dán nhãn một số cảm xúc là xấu hoặc vượt quá giới hạn có thể phản tác dụng về lâu dài", bà Leanza nói.
Thay vì đặt mục tiêu mơ hồ kiểu "tích cực hơn" hoặc "hạnh phúc hơn", bà khuyến nghị viết xuống những đề mục có thể mang lại niềm vui như: dành thời gian cho bản thân 10 phút mỗi ngày, tập thể dục 20 phút, ba lần một tuần.
Phương pháp khác là chia các mục tiêu lớn thành bước nhỏ, dễ quản lý hơn. Ví dụ, nếu muốn bắt đầu một sở thích mới, bạn hãy chia nó thành các bước và thực hành mỗi tuần. Điều này có thể khiến bạn đỡ cảm thấy choáng ngợp hơn.
Thục Linh (Theo CBS News, Yahoo News)