Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama rất muốn tham dự sự kiện trên nhưng công tác an ninh cho mỗi chuyến thăm của ông rất "nặng nề và phức tạp". Nhà Trắng chỉ nhận được thông báo trước 36 tiếng và khoảng thời gian này là không đủ để chuẩn bị.
"Tuy nhiên, công bằng mà nói, lẽ ra chúng tôi nên cử một người có chức vụ cao hơn", BBC dẫn lời ông Earnest nói thêm.
Cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử Pháp diễn ra ở thủ đô Paris cùng nhiều thành phố khác hôm 11/1, thu hút hơn 3 triệu người. Hơn 40 lãnh đạo các nước, trong đó có Anh, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palestines đã cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande nắm tay biểu thị tình đoàn kết và tưởng nhớ 17 nạn nhân thiệt mạng trong những vụ tấn công ở Paris tuần trước.
Quan chức Mỹ cao nhất có mặt ở sự kiện là đại sứ tại Pháp Jane Hartley. Các nhà bình luận trên giới truyền thông Mỹ đặt câu hỏi tại sao ông Obama lại không tham dự, hay ít nhất là cử một quan chức cấp cao như phó tổng thống Joe Biden hoặc Ngoại trưởng John Kerry thay mặt ông.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Eric Holder có cuộc họp với các quan chức an ninh châu Âu ở Paris để thảo luận về cách thức ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhưng cũng không có mặt ở cuộc tuần hành.
Phát biểu với các phóng viên khi đang trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Kerry cho hay ông sẽ thăm Pháp để tái khẳng định mối quan hệ gắn bó với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ.
Là một người nói tiếng Pháp lưu loát, ông Kerry đã đến Pháp 17 lần kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng. Kerry cho biết cả ông lẫn ông Obama đều hợp tác chặt chẽ với giới chức Pháp kể từ vụ tấn công đầu tiên và hỗ trợ về mặt tình báo.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng mối quan hệ với Pháp không phải chỉ trong một ngày hay một thời điểm nhất định", ông nói. "Nó là một mối quan hệ lâu dài đang tiếp diễn, dựa trên những giá trị chung và nhất là cam kết chung về tự do ngôn luận".
Ông Kerry dự kiến đến Paris vào cuối tuần này. Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan ở Washington vào tháng tới.
Anh Ngọc