AFP dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay, Tổng thống Obama có quyền hành động theo Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF), bất chấp những lời kêu gọi sửa đổi và hủy bỏ bộ luật này trước đó.
"Quan điểm của chính quyền là tiếp tục áp dụng AUMF 2001", ông Earnest nói, nhân kỷ niệm 13 năm vụ tấn công khủng bố gây chấn động nước Mỹ và toàn thế giới.
AUMF được ký thành luật chỉ một tuần sau vụ việc này và được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho chiến dịch chống khủng bố quốc tế mở rộng của Mỹ. Theo luật này, tổng thống có quyền truy quét al-Qaeda và các quốc gia tiếp tay hay nuôi dưỡng mạng lưới khủng bố này. Sự ủy quyền của bộ luật được cả chính quyền của cựu tổng thống George W Bush và Tổng thống Obama hiểu là sự cho phép tiến hành các chiến dịch chống khủng bố mở rộng.
"Theo hiến pháp, tổng thống có quyền răn đe và ngăn chặn những hành động khủng bố quốc tế chống lại Mỹ", bộ luật viết.
Việc ông Obama không xin phép quốc hội để phát động cuộc chiến chống IS cũng đang gây tranh cãi vì IS và al-Qaeda công khai đối đầu nhau. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho hay dù Mỹ đã làm suy yếu al-Qaeda, tổng thống vẫn có quyền truy đuổi các nhóm khủng bố khác, khi chúng là các chi nhánh tách ra từ mạng lưới này hoặc phát triển từ mạng lưới này thành một tổ chức kiểu mới.
Theo ông Earnest, IS từng được biết đến là al-Qaeda ở Iraq và có quan hệ kéo dài cả thập kỷ, do đó chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo mà ông Obama tuyên bố trong bài phát biểu tối 10/9 là hợp pháp theo AUMF. Một số thành viên chủ chốt của IS cũng tin rằng họ là những người thừa kế thực sự di sản của thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden.
"Chiến lược của al-Qaeda ở Iraq không thay đổi một cách đơn giản vì chúng thay tên", ông nói và thêm rằng mục tiêu cuối cùng của cả al-Qaeda lẫn IS đều là thành lập một vương quốc Hồi giáo.
Theo số liệu của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hôm qua, IS có khoảng 20.000 đến 31.500 chiến binh ở Iraq và Syria, nhiều hơn ước tính trước đó đến 10.000 người.
Anh Ngọc