![Khách du lịch lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun, hồi tháng 6/2022. Ảnh:Mai Kha](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/19/lanbien-jpeg-5391-1692445741-1-8172-4032-1692459655.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iQQ413KEntKBJE-7E_ed4A)
Khách du lịch lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun, hồi tháng 6/2022. Ảnh: Mai Kha
Nội dung nằm trong báo cáo thực hiện kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang của UBND TP Nha Trang. Hơn một năm trước, Ban quản lý vịnh đã dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính ở khu vực Hòn Mun.
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, cho hay Viện Hải dương học sẽ phối hợp, khảo sát và đánh giá lại hiện trạng san hô ở Hòn Mun. Nếu đạt kết quả tốt, một số vị trí ở đảo sẽ được mở lại điểm lặn.
Thời gian tới, ban quản lý vịnh bố trí lặn tạm thời tại khu vực đông bắc Hòn Rơm (gần Hòn Mun) với số lượng khách hạn chế. Ban sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát số lượng khách để không hệ sinh thái quá tải. Khách tham gia lặn phải có chứng chỉ lặn thể thao quốc tế.
Hòn Mun cách bờ hơn 10 km, nằm trong vũng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang (rộng khoảng 160 km2). Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển.
![Rạn san hô tại Hòn Mun bị hư hại hồi giữa năm 2022. Ảnh: Kha Mai](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/19/honmun-1-1654833037-1770-16548-2475-2339-1692459655.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Q2KFg7Si2wdddenoFmmCJQ)
Rạn san hô tại Hòn Mun bị hư hại hồi giữa năm 2022. Ảnh: Kha Mai
Trước đó ảnh hưởng bão số 9 vào tháng 12/2021, san hô khu vực tây bắc Hòn Mun gãy đổ, thiệt hại hơn 50%. Sau thời gian dừng lặn biển và phục hồi, san hô ở đây có độ phủ khoảng 74,5%.
Bùi Toàn