Chương trình Paris Ballet ra mắt báo giới ngày 25/5 tại Hà Nội. Show diễn có sự tham gia của các vũ công từ Ballet de l'Opera de Paris - nhà hát ballet lâu đời nhất thế giới - và được đạo diễn bởi giám đốc nghệ thuật Frederic Fontan với 15 năm kinh nghiệm.
Show ballet lần này tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với số lượng ghế ngồi lên tới 3.000 chỗ. Ông Trần Tuấn Việt - đại diện ban tổ chức - cho biết họ không chọn địa điểm tối ưu cho ballet như Nhà hát lớn để làm chương trình bởi muốn nhiều khán giả có cơ hội tiếp cận với các nghệ sĩ tên tuổi thế giới.
Chị Lê Cảnh Chi - chịu trách nhiệm về sân khấu - chia sẻ về khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và trình diễn từ phía đạo diễn cũng như các vũ công trong đoàn múa.
"Họ không yêu cầu trang thiết bị quá hoành tráng, hiện đại nhưng phải tuân theo chuẩn mực sân khấu ballet thế giới. Ví dụ sàn diễn của Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội được lát gỗ nhưng khoảng cách giữa các tấm không đều nhau, đôi lúc có dằm đâm lên dễ gây thương tích cho diễn viên. Do đó, chúng tôi phải dát thêm hai lớp gỗ so le nhau, trên cùng là một lớp mùn cưa để tạo độ đầm, êm và an toàn rồi mới trải thảm lên. Chiếc thảm cũng phải đúng kích thước tiêu chuẩn của ballet cổ điển Pháp. Trước buổi biểu diễn, đạo diễn Frederic Fontan sẽ tới sân khấu diễn thử nhiều lần để xem có đạt yêu cầu không", chị Chi kể.
Theo lời chị Chi, ánh sáng là yêu cầu khiến ban tổ chức "đau đầu" nhất. Phía đoàn ballet Pháp muốn sân khấu phải sử dụng đèn cơ khí, chỉnh cường độ sáng bằng tay trong khi các thiết bị ở Việt Nam toàn chạy tự động. Nhà tổ chức buộc phải nhập thiết bị từ nước ngoài, từ Singapore và Pháp. Một số loại đèn, nhà tổ chức đặt hàng sản xuất. Toàn bộ hệ thống được các nhân viên Việt Nam lắp ráp trước. Khi các chuyên gia Pháp sang Việt Nam kiểm tra sân khấu, họ sẽ dành hai ngày, mỗi ngày 14 tiếng để căn chỉnh độ sáng cho phù hợp từng vở kịch. Số tiền đầu tư thiết bị không được nêu cụ thể nhưng được cho là lên tới hàng tỷ.
Bên cạnh đó, sân khấu tiêu chuẩn của ballet Pháp là 14 x 11 m, hẹp và sâu hơn sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Do đó, nhà tổ chức chọn cách dựng một sàn diễn đảm bảo đúng không gian cho phép. Họ cũng phải chú ý độ cao của từng chiếc đèn hay chuẩn bị đủ năm lớp rèm để minh họa.
Chương trình gồm 9 trích đoạn của những vở ballet nổi tiếng từ cổ điển tới đương đại như Carmen toujours Carmen, Don Quichotte, Giselle, Casse-Noisette (Kẹp hạt dẻ), In the Night, Les enfants du paradis (Những đứa trẻ thiên đường), Non, je ne regrette rien (Không - Em không tiếc gì), Les intermittences du coeur (Những nhịp đập gián đoạn của con tim) và Le Parc.
Nhà tổ chức chia sẻ: "Nếu Hồ thiên nga là tác phẩm được 'giải phóng' khỏi vấn đề bản quyền, các nghệ sĩ có thể thoải mái sáng tạo từ cách thể hiện, dàn dựng đến chọn diễn viên, những vở diễn trong chương trình này bị giới hạn hơn. Biên đạo của tác phẩm hầu hết còn sống nên họ buộc các diễn viên, nghệ sĩ phải tuân theo yêu cầu của mình. Ví dụ với vở In The Night, đoàn ballet chỉ được thuê nghệ sĩ piano 75 tuổi Henri Barda biểu diễn. Chưa kể, một số vở nêu cụ thể chỉ một số diễn viên được múa cùng nhau".
Bên cạnh các vũ công đến từ nhà hát ballet lâu đời nhất thế giới, chương trình có sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Các nghệ sĩ Việt sẽ chơi nhạc sống cho năm trên tổng số chín tiết mục. Ban tổ chức cho biết họ vẫn phải sử dụng nhạc thu sẵn cho một vài tiết mục để đảm bảo chất lượng, nhưng thời lượng này chỉ kéo dài từ 10 đến 15 phút.
Paris Ballet được tổ chức tối 11/6 tại Hà Nội.