Dương Tử Thành
Sách: Số phận và cơ hội
- Bản thảo tập truyện ngắn "Ngón tay út" của chị có một hành trình khá chật vật. Lý do gì khiến các đơn vị làm sách ngại ngần với "đứa con tinh thần" chỉ hơn trăm trang của chị đến thế?
- Tôi hoàn thành bản thảo tập truyện cực ngắn này vào những tháng cuối năm 2010, sau đó tôi gửi cho bạn bè đọc và gửi tới một vài nhà sách ở Hà Nội. Các nhà sách đã từ chối với lý do riêng của họ mà tôi không thật tường tận. Có thể họ thấy nó không xứng đáng để in. Có nhà sách ngần ngại rằng sách của tôi không có nhiều độc giả.
- Thế rồi vì sao nhà sách Phương Nam đã nhận in nó?
- Tôi tính cứ bỏ đó, nhưng nhà văn Trần Nhã Thụy chuyển bản thảo của tôi tới nhà sách Phương Nam và Nhà xuất bản Trẻ, và chỉ vài tuần sau, tôi nhận được lời mời từ Phương Nam. Sau tôi cũng nhận được lời mời từ Nhà xuất bản Trẻ nữa. Tôi là người duy tâm chủ quan, tôi nghĩ, một cuốn sách ra đời được hay không có thể là do "số phận". Số phận cho nó cơ hội được gặp một số bạn đọc nhận ra nó. Khi làm bản thảo, tôi chỉ muốn kết thúc một việc phải làm, một giai đoạn nhỏ của quá trình viết và không tránh khỏi tâm lý nóng vội. Nhưng sau khi bản thảo tương đối hoàn chỉnh rồi, tôi không quá bận tâm đến nó nữa mà muốn nạp năng lượng cho một cuốn sách khác của thì tương lai. Một tập thơ của tôi chẳng hạn, một nhà sách đã đồng ý in ấn từ năm 2009, đã trình bày xong xuôi, thậm chí đã sắp đến nhà in mà... đến giờ vẫn để đó vì trục trặc.
- Những tác giả theo đuổi một lối viết riêng dường như khá khó khăn trong việc tìm đầu ra cho bản thảo. Theo chị, đâu là phía cần điều chỉnh, tác giả hay các đơn vị xuất bản?
- Có nhiều nhà sách đang tỏ ý quan tâm đến mảng sách văn học trong nước nhưng tôi nghĩ thị phần dành cho nó vẫn rất hẹp, nhỏ. Ở các nước phát triển, tôi được biết cánh cửa còn hẹp hơn nữa với các tác giả mới, những người theo đuổi lối viết mới càng không dễ dàng có cơ hội xuất bản. Người viết hôm nay không tránh khỏi phải nhận thức rõ hơn về thị trường nhưng văn chương, ở khía cạnh nào đó, luôn ngầm xung đột với các giá trị thương mại. Sách văn học trong nước vẫn cần những cái nhìn phát hiện đa dạng hơn của giới làm sách hoặc các tác giả phải tự tìm cách riêng để xuất hiện, chẳng hạn, ebook hay tự xuất bản tôi nghĩ cũng là một cách. Tuy nhiên, việc in sách chỉ là một phần của hoạt động văn học.
![]() |
Tác giả trẻ Nhã Thuyên. |
- Chị nghĩ sao về những "không gian khác" cho sự khẳng định của một người viết, nhất là người trẻ?
- Tôi nghĩ người viết muốn thể nghiệm các lối viết mới, hoặc sáng tác ít độc giả có thể công bố trên mạng trước. Hiện nay trong nước vẫn thiếu các diễn đàn, tạp chí văn chương trên mạng được thừa nhận chính thức như những không gian chơi của người viết. Có những tạp chí văn chương điện tử tiếng Anh dành riêng cho các thể nghiệm thơ, thể loại cực ngắn, hay dành riêng cho lối văn chương phi thực... với sự chọn lọc kỹ lưỡng. Tôi nghĩ những tạp chí văn chương nghệ thuật có chất lượng, cả mạng và giấy sẽ là cơ sở để nhiều người viết hào hứng hơn với việc theo đuổi văn học. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc định vị mình như "một nhà văn Việt Nam", nhất là với lượng ấn bản mỏng mảnh và sự thiếu chia sẻ thì văn chương và xuất bản sách cũng chưa chắc là điều gì quá hấp dẫn.
Cực đoan là cách chiều độc giả... đẹp nhất
- Đọc tập truyện ngắn của chị tôi lại liên tưởng đến tập truyện " Tẩy sạch vết yêu" của nhà văn Lê Anh Hoài hay một tập sách với những truyện cực ngắn của nhà văn Y Ban. Chị nghĩ thế nào về thể loại truyện cực ngắn?
- Truyện cực ngắn cũng chỉ là một cách gọi tương đối. Một thể loại muốn cực hạn về ngôn từ đồng thời hướng tới sự tự do nghiêm ngặt để tìm kiếm vẻ đẹp chính xác, hoàn thiện. Tôi hướng tới cách viết không thể rút gọn. Nó thích hợp với những kẻ cầu toàn.
- Với dung lượng rất nhỏ nhưng lại có sức "hành hạ" người đọc ghê gớm, khi viết chị có nghĩ đến việc không nhiều bạn đọc đủ kiên nhẫn để chịu sự "hành hạ" đó?
- Không, tôi không nghĩ đến người đọc khi tôi viết. Tôi biết, người đọc luôn hiện diện đằng sau câu chữ. Khi đã viết ra, không ai viết cho một mình mình đọc cả.
- Chọn cách viết "khó đọc", chắc hẳn chị không có ý định nhắm đến số đông công chúng, vậy mục đích viết văn của chị là...
- "Người đọc" với tôi là một từ ngữ luôn tự nó nở ra đến vô tận. Tôi không nghĩ một người viết cần phải giới hạn lượng độc giả của mình và "nhắm đến" một số lượng cụ thể nào đó. Chỉ một nhóm bạn đọc nhỏ sẻ chia đã đủ cho tôi nhu cầu công bố tác phẩm rồi. Viết văn, với tôi, tự bản thân nó dường như vô mục đích, dù nói rằng "tôi không biết mình tìm kiếm gì ở văn chương" có vẻ như không đáng tin. Nhưng với tôi, viết là một hành vi cá nhân thiết yếu để giải phóng chính mình khỏi những giới hạn và định kiến. Từ nhu cầu cá nhân đó mà văn chương được chia sẻ và cần được chia sẻ.
- Có thể nói chị là một trong rất ít các nhà văn hiện nay không chấp nhận đứng lẫn vào đám đông, tìm con đường đi riêng và nhất quyết không thỏa hiệp theo thị hiếu độc giả. "Một mình một ngựa" như vậy chị có thấy cô độc?
- Tôi nghĩ bản chất công việc viết văn đã là một thứ việc một mình. Không ai bắt được một người phải viết văn. Nếu không chịu được sự cô độc thì có lẽ người ta nên làm một thứ nghề gì khác. Tôi nhận thức rõ rằng người nghệ sĩ văn chương khác với người nghệ sĩ biểu diễn, và bản tính tôi ưa thích những nơi vắng vẻ. Tôi vẫn nghĩ văn chương ở thời nào và nơi nào cũng vậy, nó tồn tại vì khác biệt chứ không phải vì sản xuất hàng loạt. Thực ra tôi cho rằng cách nói "chiều theo thị hiếu độc giả" là một cách nói còn mang thành kiến bởi có những thể loại văn chương phải chiều theo thị hiếu một bộ phận độc giả nếu muốn tồn tại. Nói đúng hơn, có những kiểu loại sáng tác đồng thời quy định "kiểu độc giả" của nó. Nhưng với tôi, cách chiều lòng độc giả đẹp nhất là một người viết dám cực đoan, dám một mình, luôn luôn bất trị và tôi không thấy quá lẻ loi khi đi một lối đi hẹp. Nhiều người viết riêng biệt sẽ tạo thành một cộng đồng viết không cô độc, còn nếu người viết thỏa hiệp thì sẽ chỉ có một cộng đồng a dua hỗn hợp mà thôi.
![]() |
Bìa cuốn sách của Nhã Thuyên. |
Truy đuổi cảm giác trong ngôn từ
- Chị quan niệm thế nào về nghề văn?
- Một câu hỏi khác là văn chương mang lại điều gì? Đó là một thứ nghề mang lại cho người viết những thứ của nả mà nhiều người sẽ rẻ rúng hoặc coi là vô bổ, phi thực tế. Có lẽ nó là một thứ tồn tại vô ích thiết yếu của con người. Khi viết, tôi là một người tự do gần như tuyệt đối. Còn ở khía cạnh nghề nghiệp, tôi biết hầu như nó không được coi là một thứ nghề chính thức. Khi được hỏi "làm gì", thật buồn cười, tôi chỉ biết trả lời "tôi viết" hoặc "chẳng làm gì". Tôi rất thích bài thơ "Trò chuyện trên đài" [một bài thơ thật sự] của Raymond Federman dưới bản dịch của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. Bài thơ nói về "việc làm" và "làm việc." "Nghề văn" (cùng với những hoạt động thuộc về nghệ thuật nói chung) với tôi tương ứng với cái gọi là "làm việc" trong bài thơ này. "Việc làm là nơi ta/đến để kiếm tiền/Làm việc (đặc biệt/Làm việc tốt đẹp) là/cái đem lại vui thú/và không gì khác hơn... Một việc làm là có giới hạn/ Làm việc thì là làm/suốt thì giờ/ngay cả khi anh ngủ/Làm việc là vô hạn". Lý tưởng nhất thì người ta không thể vừa viết văn, làm nghệ thuật vừa phải nghĩ đến tiền bạc từ nó. Đến nay, tôi vẫn viết văn mà không nghĩ nó đem lại tiền bạc như thế nào, nhưng vẫn sống bằng tiền có được từ các việc liên quan đến văn học. Tôi theo đuổi nó vì tôi muốn viết và tôi viết được.
- Khi một nhà văn theo đuổi một phong cách viết mới, anh (chị) ta nên tin rằng đang có những độc giả tiềm năng đón đợi và đồng cảm với tác phẩm của mình hay nên tin vào việc chính tác phẩm của mình sẽ tạo ra một lớp độc giả mới, theo chị?
- Khi viết, tôi biết mình đang có độc giả ở phía sau. Tôi lại nghĩ, đọc tác phẩm văn học không nhất thiết phải đồng cảm. Và cái khả năng tạo ra một lớp độc giả mới luôn là khao khát của một người viết.
- Với "Ngón tay út", có vẻ như chị muốn làm một cuộc "trình diễn chữ"?
- Diễn giải tác phẩm của mình thường rất dở. Tôi gieo trồng ngôn từ và truy đuổi cảm giác trong ngôn ngữ. Cá nhân tôi không theo đuổi những trò chơi ngôn ngữ, trình diễn chữ "thuần túy". Chữ nghĩa có lẽ không thể trình diễn chỉ bằng cách bày ra đó.
- Đọc thơ của chị cảm giác nhiều chất văn xuôi, còn với tập truyện ngắn mới ra mắt thì nhà văn Trần Nhã Thụy lại cho rằng nó "thơ tính", khi viết chị có ý thức "mang" văn vào thơ và ngược lại không?
- "Thơ" dường như là một thứ hơi thở trong tác phẩm của tôi. Nhưng cũng có thể nói đó là một chủ ý. Chẳng hạn tôi đã viết những bài thơ với cấu trúc ngầm là truyện kể. Sự phân biệt các thể loại đôi khi cũng mơ hồ.
Tin vào linh cảm của người đọc
- Khi "Ngón tay út" còn ở dạng bản thảo chị đã gửi một số bạn văn xem trước, chị muốn một sự chia sẻ hay muốn "thử" cảm giác của người đọc?
- Làm bản thảo là một công việc nhọc nhằn tốn sức và tôi thường "hành hạ" bạn bè đọc trước. Ở một khoảng cách khác, họ thường có những góp ý quý báu cho tôi. Còn việc thử cảm giác của người đọc, chắc là tôi phải làm bằng cách gửi đến... các nhà sách.
- Nếu có một cuộc khảo sát mini, mười người được hỏi về truyện ngắn Nhã Thuyên đều lắc đầu bảo "không xơi được", chị nghĩ sao?
- Tôi rất thích kiểu người đọc thích phản ứng thẳng thừng. Đó là kiểu người đọc bộc lộ giới hạn và định kiến của mình, nhưng khả năng cao cũng là những người đọc thường tự bị kích thích phải "thử xem thế nào". Tôi đọc sách cũng rất thất thường, nhưng tôi tin vào linh cảm của một người đọc. Họ sẽ "thấy" được cuốn nào nên loại ngay mà không cần thử cho mất công, và cuốn nào "có thể sẽ đọc"... Giống như lúc đầu, tôi phản ứng ngay với mù tạt, nhưng vẫn đinh ninh có lúc sẽ thử. Nếu định khiến khắc quá sâu trong đầu óc, da thịt và hoàn toàn khép mình trước một cuốn sách thì bạn sẽ không đọc được bất cứ cuốn sách nào cả.
- Kết thúc tập truyện ngắn là một trang trắng với dòng chữ "Khoảng vắng này của bạn", chị làm thế với dụng ý gì?
- Những khoảng vắng là nơi chốn của sự tự do. Tạo ra những khoảng vắng là điều tôi mong muốn. Tôi cũng mong muốn đọc tác phẩm của tôi, bạn đọc sẽ tự do đọc chính bản thân họ. Bởi khi bạn đọc một tác phẩm, đó là tác phẩm của bạn. Đó chỉ là một cách hữu hình hóa đơn giản bằng hình thức trình bày thôi.
- Nếu có một "khuyến cáo" dành cho độc giả trước khi có ý định tiếp cận những sáng tác của Nhã Thuyên, chị sẽ nói gì với họ?
- Hãy cứ coi như tác giả tan loãng rồi.
Nhã Thuyên sinh năm 1986 tại Hải Dương. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2007. Hiện viết văn tự do và sống tại Hà Nội. Đã xuất bản: Viết (Nhà sách Kiến thức và NXB Văn học liên kết xuất bản, 2008). Ngón tay út (Nhà sách Phương Nam và NXB Hội nhà văn liên kết xuất bản, 2011). |
Dương Tử Thành thực hiện