Pham Mi Ly
Cuộc trò chuyện được tác giả coi như một cơ hội để cô chia sẻ những quan điểm của mình về nghề viết. Nhã Thuyên tâm sự: “Khi tôi nói tôi chống cách tân, người ta có thể hiểu sai rằng tôi đứng về phía tư tưởng bảo thủ; nhưng thực ra, nói chính xác thì thứ tôi chống lại là cách tân hình thức thuần túy, thứ cách tân giả hiệu”. Khi được yêu cầu diễn giải, Nhã Thuyên nói: “Tôi không ngại lấy ví dụ để làm rõ điều mình nói”.
Nhà văn trẻ nêu ra trường hợp nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên và tập truyện ngắn vừa bị thu hồi Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông. Nhã Thuyên cho rằng, Nguyễn Vĩnh Nguyên là người chăm học hỏi các kỹ thuật viết mới, sự nghiền ngẫm với hiện thực và những tác phẩm văn học khác.
Mở đầu buổi nói chuyện, Nhã Thuyên đọc một truyện ngắn mới của cô và một bài tiểu luận dài 10 trang có tên Viết - một tưởng tượng về bản sắc. Ảnh: Xuân Thủy. |
“Nhưng trong tập sách này, tôi thấy anh đã sử dụng những kỹ thuật mà anh chưa thật sự làm chủ. Khi tác giả muốn vượt lên hiện thực, anh lại quá câu nệ vào một thứ hiện thực cụ thể nào đó. Khi anh muốn sử dụng những kỹ thuật mới như lắp ghép để làm nổi bật nét giễu nhại, người đọc có thể cảm thấy tác giả chưa thể làm chủ lối viết”, cô nói.
“Tôi nói điều này hoàn toàn với tư cách một người đọc, tôi thích những tác phẩm đầu của Nguyễn Vĩnh Nguyên hơn khi văn anh chưa bị biến đổi theo sự cách tân hình thức ”, Nhã Thuyên chia sẻ thêm. Cô đưa ra kết luận: “Khi người ta không làm chủ được cách tân thì văn của họ không còn là cách tân nữa”.
Nguyễn Vĩnh Nguyên là một nhà văn, một người bạn mà Nhã Thuyên kính trọng. Cô đánh giá anh có những phẩm chất của một người theo đuổi văn chương chân chính chứ không phải lối viết thị trường. Cô khẳng định, kết luận của cô về “cách tân hình thức” không chỉ đến từ mỗi tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên mà còn từ nhiều tác phẩm của những nhà văn khác trong thời gian gần đây.
Chia sẻ quan điểm về sự cách tân trong lối viết của những cây bút trẻ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Dù sao đó cũng là những nỗ lực cách tân bước đầu. Tìm tòi là điều cần thiết. Không có gì hoàn chỉnh ngay từ đầu, chỉ sợ là nhà văn không dám đi trọn con đường mình đã chọn”.
![]() |
Bìa tập truyện ngắn và cực ngắn Ngón tay út của Nhã Thuyên ra năm 2011. |
Về con đường văn học của chính mình, Nhã Thuyên cũng chọn cách viết mới, mà theo đánh giá của nhà phê bình Đoàn Ánh Dương (thuộc Viện Văn học) là “không dành cho những người đọc theo lối cũ, đọc để tìm kiếm sự phản ánh một hiện thực nào đó và để đối chiếu sự việc trong sách với hiện thực đời sống”.
Hiện thực trong quan điểm của Nhã Thuyên cũng không phải là thứ hiện thực đơn giản như người ta vẫn nghĩ. “Phản ánh một vụ giết người chẳng hạn, đối với tôi hiện thực không cần phải như thế và cũng không đơn giản như thế”, cô nói. “Hơn nữa, độc giả không đọc sách để tìm những thứ họ biết rồi, họ có nhu cầu tìm kiếm những thứ xa lạ với bản thân mình”.
Những tác phẩm của cô trong tập truyện cực ngắn Ngón tay út hay tập thơ Rìa vực có tính thể nghiệm rất rõ ràng, mang đến cho người ta cảm giác chứ không kể một câu chuyện, không nói lên một hiện thực cụ thể ở đâu đó. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Có thể tác phẩm của Nhã Thuyên không phải đọc để hiểu mà để có một khoái cảm ngôn ngữ, một sự lạ hóa. Chính tác giả cũng viết bằng khoái cảm đó, cùng là những con chữ như thế, nhưng theo một cách sắp xếp mới, trở thành một cách viết mới”.
Nhã Thuyên lắng nghe ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cũng là MC dẫn dắt buổi nói chuyện của cô. Ảnh: Pham Mi Ly. |
Ban đầu, Nhã Thuyên không quan tâm lắm đến thể loại. Có những bài thơ của cô được nhà xuất bản xếp thành truyện cực ngắn, còn có những truyện cực ngắn của cô lại được chọn in trong một tập thơ. Cô không ý thức phân loại thể loại những tác phẩm của mình mà viết một cách tự nhiên nhất có thể. Về sau, Nhã Thuyên bắt đầu cân nhắc đến vấn đề này, cô có suy nghĩ: “Với ý tưởng này thì thể loại nào là tối ưu để tận dụng được các ưu thế của thể loại đó?”.
Nhã Thuyên mơ ước về một “cộng đồng đọc lý tưởng”. “Người viết có nhiệm vụ kích thích cộng đồng đọc, vậy người đọc cũng có nhiệm vụ kích thích trở lại đối với người viết, tạo động lực cho họ. Cộng đồng đọc lý tưởng trong tôi là những người luôn chờ đợi và hy vọng ở người viết. Tôi viết vì những người đọc như thế”.
Nhã Thuyên sinh năm 1986 tại Hải Dương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Ngữ văn. Hiện cô sống và làm việc tự do tại Hà Nội. Cô viết văn, thơ và phê bình, đã xuất bản ba tập sách: Viết (2008), Rìa vực và Ngón tay út (2011). Các tác phẩm thơ, truyện cực ngắn, tiểu luận của cô xuất hiện chủ yếu trên các diễn đàn văn học trên mạng, trong đó có trang web chính thức mang tên Nhã Thuyên. |