Danh sách được Ủy ban Nobel công bố trong tháng 2, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tên tuổi được đề cử. Viện Hàn lâm Thụy Điển chú thích nhà thơ là Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam, được đề cử lần đầu, người giới thiệu là Thang Lang.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng Thang Lang thực chất là học giả Thanh Lãng, bị nhầm lẫn do lỗi đánh máy. Thanh Lãng sinh năm 1924, là linh mục, nhà giáo dục, đỗ tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ. Ông từng giảng dạy tại Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn, làm việc tại Viện Khoa học xã hội TP HCM.
Ông Phạm Xuân Nguyên nói việc nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Nobel là niềm vui, sự vinh dự. Theo ông, văn học nước nhà có cơ hội tiếp cận giải thưởng danh giá, nhưng cần chú ý chọn tác phẩm chất lượng, đảm bảo khâu dịch thuật để các chuyên gia quốc tế dễ dàng hiểu.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sinh năm 1915 ở Hưng Yên, mất năm 1976 tại TP HCM. Ông từng học trường Albert Sarraut nổi tiếng ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Ông học ngành luật nhưng sau một năm thì bỏ đi làm ngành đường sắt. Năm 1941, ông bỏ việc đi học cử nhân toán ở Hà Nội nhưng rồi lại rẽ ngang sang dạy học. Từ những năm 1940, ông sáng tác nhiều thơ, kịch, từng có vở kịch thơ Vân muội, công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ năm 1946 đến năm 1975, ông gắn với nghề dạy toán, văn ở Nam Định, Hà Nội. Năm 1954, ông vào TP HCM sinh sống, tiếp tục sáng tác và làm nghề giáo. Nhà thơ là tên tuổi nổi bật trong phong trào Thơ Mới (1932-1945).
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận xét Vũ Hoàng Chương là người làm thơ tài hoa, chuyên nghiệp, từng được gọi là "Thi bá Việt Nam". Ông có 15 tập thơ, các vở kịch thơ là Trương Chi, Vân muội, Hồng diệp... Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập Thơ say, gồm 32 bài, ra mắt năm 1940.
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân viết: "Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng..."
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng đọc tùy bút Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, nói về cuộc sống văn nghệ ở miền Bắc từ đầu thập niên 1940 cho đến giữa thập niên 1950. Nhà phê bình nhận xét: "Đọc ông ta thấy tình văn nhân thật tri âm tri kỷ mà cũng nhiều cung bậc, sắc thái hỉ nộ ái ố. Cuốn sách như cuốn phim giữ lại cho văn học sử nước nhà một thời đoạn văn nghệ không còn có lại, mãi mãi gắn liền với một thời ly tao của đất nước".
Theo quy trình, hàng năm Ủy ban Nobel Văn học gửi khoảng 600-700 thư mời đánh giá cho thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển hoặc các học viện, viện hàn lâm, tổ chức có cơ cấu và mục đích tương tự; những giáo sư văn học, ngôn ngữ tên tuổi, các nhà văn từng đoạt giải Nobel, Chủ tịch hội nhà văn các nước - đề nghị giới thiệu ứng viên. Sau đó, họ tập hợp, chọn danh sách gồm khoảng 100 ứng viên để trình lên Viện hàn lâm phê chuẩn. Danh sách này chỉ được công bố sau 50 năm.
Trải qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Ủy ban Nobel sẽ chọn năm người cuối cùng để thảo luận, nghiên cứu và tìm ứng viên chiến thắng.
Năm ngoái, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết lần đầu tiên nhận được thư của Viện Hàn lâm Thụy Điển, mời giới thiệu tác giả góp mặt vào danh sách tranh giải Nobel Văn học. Tuy nhiên, thư đến chậm trễ, quá thời gian nhận đề cử 20 ngày.
Trước Vũ Hoàng Chương, nhà báo, nhà văn Hồ Hữu Tường (1910-1980) có tên trong danh sách đề cử giải Nobel Văn học năm 1969. Người giới thiệu là nhà thơ Đông Hồ (1906-1969).
Hà Thu