Gần đây, Nguyễn Hữu Hồng Minh liên tục chia sẻ trên Facebook về vụ tranh chấp bản quyền ca khúc Bi vọng ca. Nhạc phẩm này được biết trên mạng với tên Còn lại gì cho nhau, qua giọng hát của một số ca sĩ, với phần chú thích: “Nhạc Nguyễn Thanh Bình, lời Nguyễn Hữu Hồng Minh”.
Nguyễn Hữu Hồng Minh kể lại, trong lần tụ họp bạn bè ở quán cà phê tại TP HCM năm 2012, anh hát cho nhóm bạn nghe ca khúc Bi vọng ca của mình. Nhà báo Thanh Bình, người góp mặt tại buổi này, khen bài hát hay, nhưng phần điệp khúc nghe chưa "sướng" nên đề nghị được giúp Hồng Minh sửa chữa. Sau đó, bài hát được phổ biến trên Youtube vào ngày 21/2 năm nay, qua tên gọi Còn lại gì cho nhau, với ghi chú phần nhạc do Thanh Bình thực hiện. Nguyễn Hữu Hồng Minh suy luận, rất có thể nhà báo Thanh Bình đã bí mật ghi âm ca khúc khi anh trình bày để nhằm sử dụng về sau.
Hồng Minh không chấp nhận cách nhà báo Thanh Bình để tên chung trong bài hát vì cho rằng mình mới là chủ sở hữu hoàn toàn bài hát về giai điệu lẫn ca từ. “Đã có một ca khúc Còn lại gì cho nhau giống hoàn toàn với bài hát Bi vọng ca của tôi. Ở bài này, tôi thấy ông Thanh Bình chỉ sửa một vài nốt nhạc và ca từ giống bài hát tôi viết đến 90%. Nếu ông chỉ sửa một vài nốt nhạc để sau đó lấy luôn cả bài hát là hoàn toàn không ổn, dối trá", Nguyễn Hữu Hồng Minh nói.
Phản hồi về điều này, Thanh Bình cho biết, sau cuộc gặp ở quán cà phê như đề cập ở trên, chính Nguyễn Hữu Hồng Minh gửi qua email cho ông phần lời ca khúc Bi vọng ca và ngỏ ý nhờ ông hoàn chỉnh ca khúc. Sau đó, khi ca khúc hoàn thành, Thanh Bình thu âm nhạc phẩm và mang CD đến tặng Hồng Minh như một kỷ niệm đẹp giữa anh em nghệ sĩ với nhau.
Ngoài ra, Thanh Bình chia sẻ, anh cất công chỉnh sửa thêm phần lời của ca khúc Bi vọng ca để phù hợp với giai điệu do mình phổ vào chứ không để nguyên lời Hồng Minh gửi. "Tôi phải triển khai thêm phần lời để phù hợp với tuyến giai điệu được phát triển dựa trên thang âm chromatique và dựa trên tiến trình hòa thanh nhất quán với thủ pháp ly điệu trong toàn bài. Tôi đã để tên Hồng Minh vào ca khúc thì không thể nói là tôi gài bẫy hay có mưu đồ gì. Trong chuyện sáng tác nhạc, việc một lời bài hát phổ thành nhiều giai điệu là chuyện không hiếm. Ví dụ, với Em ơi Hà Nội phố thì Phú Quang có thể phổ thơ Phan Vũ theo cách của Phú Quang, còn nhạc sĩ Châu Đăng Khoa có thể phổ theo kiểu của ông và đặt tên lại là Ta còn em... ", Thanh Bình nói.
Tuy nhiên, nhà thơ Hồng Minh phản pháo, ca từ bài hát Bi vọng ca của anh được đăng công khai trên website cá nhân. "Vậy thì lý do gì tôi phải gửi cho ông Bình? Nếu ông Bình nói muốn hoàn chỉnh ca khúc tặng tôi như một kỷ niệm thì tại sao từ Bi vọng ca lại biến báo thành Còn lại gì cho nhau? Đây là hệ thống ca từ một bài hát chứ không phải một bài thơ. Người ta chỉ được phép phổ nhạc một bài thơ chứ không ai được lấy phần ca từ của riêng một bài hát để viết thành một bài khác. Điều đó là sai luật. Và sao tên tác giả phần nhạc bài hát lại đề tên ông? Trong khi tôi có bằng chứng là do tôi viết cả phần nhạc và lời đến 90%?”
Hồng Minh khẳng định, dù không phải là dân nhạc chuyên nghiệp, từ năm 14 tuổi anh đã học nhạc với một người thầy nổi tiếng ở Đà Nẵng. Anh viết nhạc như một đam mê, từng đoạt giải thưởng ca khúc Đoàn của Đại học Tổng hợp Thủ Đức năm 1992. Đến nay, anh cũng sáng tác được nhiều ca khúc. Trước khi vụ việc về bản quyền Bi vọng ca nổ ra, Hồng Minh và ca sĩ Khánh Loan định thực hiện dự án CD nhạc mang tên ca khúc này. Tuy nhiên, vì việc tranh chấp, anh tạm bỏ nó ra khỏi CD.
"Xin nhắc lại tôi bỏ Bi vọng ca ra khỏi dự án đơn giản vì tôi còn nhiều ca khúc hay hơn. Tôi muốn mọi việc giữ đúng tiến độ chứ không phải sợ tranh chấp. Vì tôi đã chuẩn bị các bằng chứng, hồ sơ để ra tòa bảo vệ nhạc phẩm của tôi, một sáng tác máu thịt mà tôi viết từ năm 16 tuổi…", anh nói.
Trước những khẳng định của Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà báo Thanh Bình cho biết, anh còn nắm giữ đầy đủ bằng chứng về các email trao đổi với Hồng Minh, cả bản ký âm ca khúc do anh thực hiện.
Hồng Minh hiện tại chỉ mới trình được một bằng chứng là ca khúc Bi vọng ca của anh được phổ biến rộng rãi vào ngày 20/1/2013 tại Đại học Quốc gia TP HCM trong một buổi giao lưu với sinh viên, và ngày 19/9/2013 tại buổi ra mắt sách mới của anh ở TP HCM. Dù vậy, nam tác giả tự tin, nếu vụ việc đưa ra tòa, anh vẫn có các nhân chứng giúp trình bày các phiên bản bài hát Bi vọng ca qua từng giai đoạn, từ 1988 đến nay. "Tôi sẽ có các bằng chứng tại sao tôi viết ca khúc này, viết tặng cho ai? Bi vọng ca là một trong ba ca khúc liên hồi liên quan đến cuộc tình đầu tiên của tôi. Hai bài trước đó là Kỷ niệm xanh và Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa đã được thu và công khai dễ tìm thấy trên mạng”, anh nói.
Trao đổi với VnExpress, Thanh Bình cho biết, nếu Nguyễn Hữu Hồng Minh khăng khăng bản nhạc do anh sáng tác hoàn toàn thì ông sẽ đi đến một kết thúc bằng cách hủy bỏ ca khúc này vì không chấp nhận điều phi lý. "Còn chuyện kiện tụng, tôi phải chờ xem thái độ của Hồng Minh như thế nào. Nếu Hồng Minh tiếp tục có lời thóa mạ, xúc phạm tôi một cách vô lý hoặc sử dụng ca khúc mà không xin phép, tôi phải kiện không phải vì tranh giành ca khúc mà là để bảo vệ danh dự", ông nói.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa viết đơn gửi đến Hội Nhạc sĩ TP HCM trình bày mọi sự việc liên quan đến việc tranh chấp ca khúc. Anh cũng bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ ngày 22/4, khi đọc trên báo thông tin ông Thanh Bình muốn kiện và đòi anh xin lỗi. "Tôi không xin lỗi. Thậm chí sẽ tiếp tục vạch mặt cho đến khi vụ việc buộc phải dẫn đến một phiên tòa vì không còn cách nào khác. Tôi vẫn tiếp tục sử dụng ca khúc của mình (Bi vọng ca) và sẵn sàng hầu tòa bất cứ lúc nào", anh nói.
Thất Sơn