Tại tọa đàm Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng hôm 25/10, nhà thơ nói về những thuận lợi và hạn chế của AI trong việc viết. Ông dành nhiều lời khen khi AI thực hiện văn xuôi, gọi vui công nghệ này là "ma xó" bởi nó có thể biết nhiều chuyện không tưởng.
Mới đây, nhà thơ thử lệnh trí tuệ nhân tạo viết điếu văn cho ông, độ dài 800 chữ. Ông ngỡ ngàng khi sau hai giây, chỉ với vài dữ kiện, AI đã tạo một bài viết "xúc động, ám ảnh, lâm ly, nhắc đến đầy đủ các tác phẩm, trong đó có những sáng tác từ thời nào mà tôi còn không nhớ rõ'', theo nhận xét của Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ cho hay: ''AI viết văn hay, tả cảnh chi tiết, sinh động". Một nhà văn từng nhờ ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách thiếu nhi sắp ra mắt. Tuy nhiên sau khi đọc bản thảo và thấy không ấn tượng, ông bèn nhờ AI thực hiện công việc này. Cũng chỉ trong thời gian ngắn, trí tuệ nhân tạo đã cho ông một bài đạt chất lượng tốt. Nhà thơ đưa sản phẩm của công nghệ cho nhà văn đó xem, khuyên ông không nên in sách bởi ''viết thua cả robot''.
Tuy nhiên, theo nhà thơ, AI không thể sáng tác thi ca. Ông nhận định: "Thơ là những rung động của tâm hồn, cảm xúc chỉ con người mới hiểu, mới truyền tải được'', còn AI là các tính toán và phân tích liệu, không thể chạm đến tâm tư sâu thẳm của con người. Vì vậy, ông cho rằng hiện chỉ có nhà văn phải cạnh tranh gay gắt với trí tuệ nhân tạo.
Thảo luận tại tọa đàm, các nhà thơ nhận định công nghệ mở ra nhiều cơ hội nhưng không thể thay thế con người. Công tác trong ngành báo chí, tác giả Trần Kim Hoa từng được nhắc nhở rằng sẽ có ngày trí tuệ nhân tạo thay con người viết những tin ngắn, bài phản ánh. Còn với lĩnh vực sáng tác thơ, AI không thể sao chép cảm xúc, suy nghĩ của tác giả.
''AI là công cụ do con người sinh ra, không thể chi phối con người" là suy nghĩ của nhà thơ Lữ Mai - đại diện thế hệ tác giả 8x. Theo Lữ Mai, để sử dụng trí tuệ nhân tạo hiệu quả, mỗi người cần biết phản biện những câu trả lời mà nền tảng cung cấp.
Theo nhà thơ Lữ Mai, việc dùng AI để sáng tác một tác phẩm mới rồi ký tên tác giả cũng bị coi là "ăn cắp". Cô khẳng định trí tuệ nhân tạo chỉ nên là công cụ trợ giúp người viết.
Tác giả Trần Đăng Khoa nhận định thời đại bây giờ "tuyệt vời, sung sướng'', bởi chỉ cần một chiếc điện thoại, mỗi người cũng có thể tiếp cận với cả thư viện sách trên thế giới.
Ông cho biết dùng sách điện tử khoảng 10 năm nay, trong điện thoại hiện có hơn 175.000 cuốn. Thay vì phải cầm đọc cồng kềnh, ông có thể xem trên thiết bị di động bất cứ lúc nào, điều chỉnh cỡ chữ to, nhỏ, ánh sáng theo mong muốn.
''Tương lai, sách điện tử sẽ thay dần các ấn phẩm in, song sách giấy vẫn không mất giá trị, là kho tàng lưu giữ giá trị tinh thần'', nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nhà thơ, nhà báo Trần Kim Hoa đồng quan điểm, cho biết ở thế hệ của chị, mỗi bài thơ được đăng báo đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao, đôi khi chỉ được in vài chục cuốn để phát hành ở địa phương. Công nghệ đã đưa sáng tác của những tác giả thời nay đến gần hơn với công chúng bằng nhiều phương tiện truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là công nghệ mô phỏng tư duy, hành vi của con người, được lập trình để tối ưu hóa chức năng của máy móc. Thuật ngữ do nhà khoa học máy tính John McCarthy (1927-2011) sáng tạo và lần đầu sử dụng tại hội nghị khoa học Dartmouth năm 1956. Những năm gần đây, AI được áp dụng trong nhiều lĩnh vực để tiết kiệm thời gian và chi phí, kể cả ngành giải trí.
Phương Linh