Linh cữu cố nhà thơ quàn tại nhà riêng ở xã Lộc Châu, Bảo Lộc. Lễ di quan và hỏa táng diễn ra lúc 6h ngày 13/6. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trích thơ Nguyễn Đức Sơn để chia buồn: "Vậy là khép lại một hành trình gian nan và nhọc nhằn 'không biết từ đâu ta đến đây/ mang mang trời thẳm đất xanh dày/ lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ/ sống điêu linh rồi chết đọa đày' ".
Đầu năm nay, khi Nguyễn Đức Sơn nằm bệnh, người thân và giới mộ điệu, Thư viện Huệ Quang ở TP HCM thực hiện tập thơ lấy tên Chút lời mênh mông (Nhà xuất bản Đà Nẵng) - ấn phẩm cuối cùng của thi sĩ.
* Bài thơ "Bọt biển" của Nguyễn Đức Sơn
Nguyễn Đức Sơn được xếp vào tứ trụ thi ca miền Nam trước đây, bên Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Ông sinh năm 1937 tại Ninh Thuận, quê gốc ở Thừa Thiên Huế. Từ năm 20 tuổi, Nguyễn Đức Sơn xuất hiện như một hiện tượng kỳ lạ trong làng thơ Sài Gòn. Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước, như Bọt nước (1965), Lời ru (1966), Đêm nguyệt động (1967), Vọng (1972), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), Tịnh khẩu (1973)... và ba tập truyện: Cát bụi mệt mỏi (1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971).
Về tác phẩm của Nguyễn Đức Sơn, nhà văn Bửu Ý từng viết: "Nguyễn Ðức Sơn như một con tê giác cứ húc bừa húc bãi về phía trước như có một ngọn lửa đốt thâm tâm. Ông lao về những đích đến nhiều khi không định hướng bởi sự thôi thúc nào đó. Với người, ông cáu kỉnh gây sự, không lý gì đến bạn mà cũng chẳng ngại ngùng gì với thù, nói và viết theo ý riêng mình kiểu của một kẻ quen sống đơn độc trong cách ăn nói cư xử có sự nghiệt ngã phê phán quá đáng. Nhưng với thiên nhiên thì mở lòng ra, thoải mái rất thong dong ở những vùng biển vùng núi của những quá khứ của cuộc sống đã qua của những mơ ước đã có, đã hằng hiện hữu...".
Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa gia đình lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để sống một cuộc sống thanh tịnh. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông vì trồng tới hàng nghìn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối.
Tâm Giao