Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, bút danh được ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà. Ông thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng, tổ tiên xưa có nhiều đời làm quan dưới triều Lê.
Theo sách Từ điển tác giả, tác phẩm văn học dùng cho nhà trường (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2009), năm 1926, Tản Đà xuất bản An Nam tạp chí, đến tháng 3/1927 bị đình bản. Tờ tạp chí này có số phận rất long đong, tục bản rồi đình bản đến 3-4 lần. Cuối đời, Tản Đà sống trong cảnh túng thiếu, nghèo đói ở Hà Nội.
Tác phẩm chính của Tản Đà: Giấc mộng con I (tiểu thuyết, 1917); Khối tình con (nghị luận, 1918); Đài gương kinh (nghị luận, 1918); Đàn bà Tàu (dịch, 1919); Thần tiên (tiểu thuyết, 1921); Lên sáu (thơ, 1921); Lên tám (thơ, 1921); Tản Đà tùng văn (thơ, văn, 1922); Còn chơi (thơ, văn, 1922-1924); Quốc sử huấn mông (1924); Trần ai tri kỷ (1924); Kinh thi (dịch, 1924); Tỳ bà hành (dịch, 1924); Tản Đà vận văn I, II (1932); Giấc mộng con II (tiểu thuyết, 1932); Giấc mộng lớn (tự truyện, 1932); Tản Đà xuân sắc (tập văn, 1934); Liêu trai chí dị (dịch, 1938); Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện (1940).

Bìa tạp chí Tao Đàn số đặc biệt năm 1939, giới thiệu về nhà thơ Tản Đà. Ảnh tư liệu.
Trong bài viết "Công của thi sĩ Tản Đà" trên báo Ngày nay (1939), nhà thơ Xuân Diệu cho rằng, giữa lúc thơ Việt Nam khô khan trong dấu xe cũ, giữa lúc lối "thơ Nam Phong" trị vì một cách bệ vệ, dùng tiếng lớn để nói chuyện, diễn những ý sáo bằng những lời sáo hơn bội phần; giữa lúc trống rỗng và buồn tênh, Tản Đà đem tới một hồn thơ, Tản Đà cho Việt Nam một thi sĩ.
Lần đầu tiên người ta nghe được một giọng nói dịu dàng, trong trẻo, nhẹ nhõm, có duyên, người ta thấy một tấm lòng thực thà và người ta cảm động. Tản Đà dám vẩn vơ, dám mơ mộng, dám cho con tim và linh hồn có quyền sống đời riêng của chúng; cái phóng khoáng như gió, trăng, mây, nước không chỉ có cuộc sống vật chất mà thôi.