Jonathan Galassi - biên tập viên của bà ở nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux - xác nhận thông tin với AP. Các chi tiết về nguyên nhân cái chết chưa được công bố.
Theo các nhà phê bình, trong hơn 60 năm, Glück đã tạo nên một giọng thơ đặc biệt, chất chứa những mơ mộng triết học, những câu chuyện buồn vui lẫn lộn, những ký ức không thể xóa nhòa về quá khứ nhiều nỗi đau. Khi được trao giải Nobel năm 2020, Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi bà có "một giọng thơ không lẫn vào đâu, với vẻ đẹp nghiêm khắc khiến sự tồn sinh của cá nhân trở nên phổ quát". Bằng ngôn ngữ thi ca, bà kể những trải nghiệm cá nhân liên quan đến lịch sử, thiên nhiên, cuộc sống hiện đại. Bà từng viết: "Ưu điểm của thơ so với cuộc sống là thơ nếu đủ sắc bén thì có thể trường tồn".
Sinh năm 1943 ở New York, Glück sớm quen tâm đến thi ca từ khi là một thiếu niên. Glück mắc chứng biếng ăn khi học phổ thông, không đủ sức khỏe học đại học, bà học các lớp ngắn hạn ở đại học. Giáo viên của bà có nhà thơ Léonie Adams và Stanley Kunitz. Từ năm 20 tuổi, bà có thơ được đăng trên New Yorker, Atlantic Monthly và một số tạp chí khác.
Những bài thơ của Glück thường ngắn gọn, dài một trang hoặc ngắn hơn, chịu ảnh hưởng bởi Shakespeare, thần thoại Hy Lạp và Eliot.
Bà nhanh chóng được ca ngợi như một trong những nhà thơ nổi bật của văn học đương đại Mỹ ngay từ tập thơ đầu tiên Firstborn (1968) - viết về thời thơ ấu, cuộc sống gia đình. The House on Marshland - tập thơ thứ hai, ra đời năm 1975, gây ấn tượng bởi nỗi diễn đạt ẩn dụ tinh tế. Bà từng nhận giải Pulitzer năm 1993 cho Wild Iris, tập thơ đề cập đến nỗi đau khổ, cái chết và sự tái sinh.
Cái chết của người cha trở thành cảm hứng để Glück sáng tác tập thơ Ararat (1990). Trong sách, bà nói về nỗi đau khi bố mẹ qua đời sớm, sự ganh đua giữa các chị em gái của bà, việc mâu thuẫn với các con được bà diễn đạt khéo léo, nhận đồng cảm từ độc giả. Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 thôi thúc bà viết tập thơ October. Trong đó, bà dựa trên thần thoại Hy Lạp để nói về những vết thương.
Nữ quyền được Louise Glück đưa vào nhiều tác phẩm, điển hình là bài Mock Orange. Bà tuyên bố ghét quan hệ tình dục, ví von chuyện sex với loài hoa mock orange - giống hoa dại có hương thơm nhẹ, ra quả giống cam nhưng không ăn được. Với nhà thơ, quan hệ tình dục không giải quyết được bất cứ điều gì mà chỉ tạo ra ảo tưởng về sự gắn kết, giống như mùi hương hững hờ của loài cam giả. Thông qua các tích truyện thần thoại, bà cũng thể hiện góc nhìn bênh vực phái đẹp.
Năm 2015, Louise Glück được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương quốc gia về nghệ thuật và nhân văn. Cuốn sách gần nhất của bà tên Marigold and Rose, là tiểu thuyết ngụ ngôn về nhân sinh, ra mắt năm 2022.
Glück trải qua hai cuộc hôn nhân tan vỡ. Với người chồng thứ hai, bà có chung một con trai. Nhà văn sống kín tiếng, ít nhắc chuyện đời tư.
Trích đoạn bài thơ Hoa xuyên tuyết
Tôi từng là gì, tôi đã sống ra sao anh có biết?
Khi anh hiểu nỗi tuyệt vọng là thế nào
Hẳn mùa đông sẽ có ý nghĩa với anh
Tôi đã không mong sống sót
Khi đất lèn chặt lên tôi
Không mong thêm lần tỉnh dậy
Nghe đất ẩm quấn quanh người
Thế rồi khi mùa xuân đến
Trong tia sáng lạnh đầu tiên
Thấy mình cựa lật hồi sinh
Sau thời gian đằng đẵng
Do you know what I was, how I lived? You know
what despair is; then
winter should have meaning for you...
I did not expect to survive,
earth suppressing me. I didn’t expect
to waken again, to feel
in damp earth my body
able to respond again, remembering
after so long how to open again
in the cold light
of earliest spring...
Hà Thu (theo The Guardian)