Nhà thơ Huy Cận. |
- Trong tập 3 "Hồi ký song đôi" vừa hoàn thành, ông nói về giai đoạn nào của tình bạn giữa ông và nhà thơ Xuân Diệu?
- Ở tập 3 này, tôi nhắc lại những bước đầu làm thơ của Xuân Diệu, có thể coi đây là giai đoạn tìm đường thơ của Xuân Diệu và tôi. Tôi nhớ lại tình bạn 50 năm của chúng tôi, cũng như với những người bạn nước ngoài thật thân thiết, như anh em ruột thịt.
- Kỷ niệm nào về tình bạn của 2 người được ông nhắc đến trong tập hồi ký?
- Kỷ niệm vui nhất là lần gặp đầu tiên gặp nhau, đọc thơ cho nhau nghe và lập tức kết bạn cứ như định mệnh. Kỷ niệm buồn và đau đớn nhất là ngày Xuân Diệu mất, khi đó tôi đang ở nước ngoài. Tôi buồn và khóc rất lâu vì nhớ thương anh ấy.
- Trong cuộc triển lãm cuốn sách của ông tại Pháp, vì lý do gì mà ông đã không sang tham dự?
- Tôi phải từ chối vì sức khoẻ không cho phép dù họ có gửi sang vé máy bay khứ hồi. Trong triển lãm này, nữ hoạ sĩ Chantan đã vẽ minh hoạ cho tập sách của tôi. Qua bà, tôi được biết thơ của tôi cũng như tranh của bà nhận được sự đánh giá rất cao, cuộc triển lãm cũng thành công ngoài mong đợi. Tập thơ đang được in ở Pháp, dự kiến hoàn thành vào giữa năm nay.
- Ở tuổi “bách niên giai lão”, ông vẫn còn ý định in một tập thơ tình. Cảm hứng đó bắt nguồn từ đâu vậy?
- Cốt cách phong tình là điều đáng quý trong mỗi nhà thơ. Ngày xưa tôi có nhiều mối tình đẹp nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Bây giờ ngày càng nhiều những cô gái xinh đẹp, đôi khi cũng làm mình thổn thức.
- Đến giờ này ông hài lòng với chặng đường thơ của mình?
- Văn chương gắn liền với từng bước đi của tôi và nay tôi được bầu vào Viện hàn lâm thế giới. Phần thưởng ấy là sự cao quý đối với người làm nghệ thuật. Cho tới giờ, tôi đã mãn nguyện nhưng vẫn không ngừng nghỉ trên chặng đường sáng tác của mình.
- Với tư cách là một “bô lão” xứ thơ, ông nhận xét gì về thơ trẻ?
- Thơ sau 1975 ngôn từ chải chuốt, luyến láy nhiều, ý hay, phong phú. Nhưng tiếc rằng họ nói quá nhiều về thân phận éo le, tình yêu day dứt của cá nhân mà không có hình ảnh của con người thời đại mới. Tôi không phản đối cách nhìn nhận của họ, song trong thơ tôi luôn tâm hoài về vận mệnh con người. Tôi tâm đắc và thường vận dụng cho tư tưởng sáng tác của mình câu châm ngôn: mỗi con người mang trong bản thân mình tấm vải hoàn chỉnh về số phận con người.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)