Tác phẩm gồm 21 chương và năm phần, ra mắt dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà thơ cho biết ấp ủ ý tưởng sáng tác từ 20 năm trước, bắt đầu viết từ năm ngoái. Theo con gái tác giả, mỗi ngày ông làm việc đều đặn từ sáng đến tối.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết năm 2001, ông đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội cho tác phẩm Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả Hữu Mai. Nhà thơ được Đại tướng trao một cuốn sách, nói: "Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí". Trong 20 năm, nhà thơ Hữu Thỉnh nhiều lần đọc đi đọc lại cuốn sách, mong muốn viết về Điện Biên Phủ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh ở buổi ra mắt sách ngày 17/4. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam
Nhà thơ quan niệm điều quan trọng khi viết về lịch sử là tôn trọng sự thật. Vì thế, giọng thơ trong Giao hưởng Điện Biên không quá bay bổng. Trước khi đặt bút, ông nhiều lần lên chiến trường xưa, đến các địa điểm lịch sử, trò chuyện với các chiến sĩ từng tham gia chiến dịch. Nhà thơ cũng đọc nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về sự kiện năm 1954. Trong trường ca, ông sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã được gia đình Đại tướng và nhà văn Hữu Mai đồng ý.
"Khó khăn của tôi là khi viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Khó hơn nữa là qua 70 năm, sự kiện đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và những người trong cuộc khai thác nhiều rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới mẻ", nhà thơ Hữu Thỉnh nói về thách thức khi viết trường ca.

Bìa cuốn trường ca "Giao hưởng Điện Biên". Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận xét nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn sử dụng cấu trúc chương hồi truyền thống, nhưng sáng tạo ở chỗ tạo ra không gian sinh động, chân thật về các trận đánh, cuộc hành quân, những nhân vật lịch sử. "Ở mỗi chương, ông dùng nhiều thể loại khác nhau như tự do, không vần, lục bát, tạo giọng thơ phong phú, phù hợp với sự kiện. Ông viết về lịch sử nhưng tinh thần thơ ca vẫn dâng trào, khơi gợi cảm xúc cho người đọc", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Hữu Thỉnh sinh năm 1942, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu. Ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liên tục từ khóa thứ ba đến khóa thứ tám, đảm nhận chức Chủ tịch Hội bốn nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000 đến 2020. Ông Thỉnh cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 10 và 11. Ngoài ra, ông từng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Trên cương vị này, ông nhiều lần kêu gọi Nhà nước hỗ trợ hoạt động của các hội trực thuộc.
Ông viết thơ, truyện ký, tiểu luận phê bình, nhưng thành công nhất ở mảng thơ, với gần 20 tập. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Sang thu, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Với trường ca, ông từng viết Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016).
Hà Thu