Hà Linh -
Đi qua gần như hết khổ ải của một cuộc đời thi nhân, Hoàng Cát vẫn đặt tên cho tập thơ mới của mình là Thanh thản. Ông lý giải: "Tôi đang sống những ngày thanh thản nhất/Ấm áp bạn bầu, đủ thế hệ gần xa... Đời tôi ‘lãi’ lắm rồi thưa bầu bạn/Sau sóng gió dập vùi tôi vẫn đứng được lên" (Tôi đang sống...). Đời Hoàng Cát thực buồn nhiều hơn vui. Không chỉ buồn mà là đau buồn, tủi cực. Ông sinh năm 1942 tại Nghệ An, trong một gia đình cả ngoại lẫn nội đều là địa chủ. Không ai được quyền chọn cha mẹ và quê hương, Hoàng Cát gánh cái lý lịch đó suốt cả cuộc đời mình. Chật vật mãi, 18 tuổi ông mới học xong lớp 7, cạy cục mãi, ông mới được nhập ngũ, rồi đi B. Mất một chân ở chiến trường, chân còn lại, sau chiến tranh, ông khấp khểnh làm cột trụ cho cả một gia đình. Từng trải qua 17 nghề để kiếm sống, từ bán nước chè, làm nem chạo, dán hộp thuốc... nhà thơ dường như ngần ngại, như chưa hết nhọc nhằn khi nhắc lại một quãng đời tối tăm. Nhưng trong thơ, ông không giấu được mình: "Tôi chưa chết - đấy mới là chuyện lạ!/Mười bảy nghề tủi nhục nắng mưa/Hăm ba Tết đập tanh bành quán cóc/Kẹo bánh hất tung, tôi ôm mặt khóc òa!..." (Tôi đang sống...). Đến bây giờ, với đồng lương hưu ít ỏi, dẫu không còn quá khó khăn, nhưng thơ Hoàng Cát vẫn đau đáu, day dứt tâm trạng của một người cha khi phải sống dựa, sống nhờ phần nhiều vào cô con gái yêu duy nhất.
Nhà thơ Hoàng Cát. |
Thanh thản tập hợp 114 tác phẩm mới, viết trong 3 năm 2006 - 2008 - tập thơ mà theo Nguyễn Trọng Tạo là "được viết trực tiếp trên máy tính và bắn lên blog luôn". Ở tuổi ngoại lục tuần, Hoàng Cát đã nghĩ rất nhiều, rất sâu đến cái chết - cái chết của chính ông. Ông mường tượng trước giây phút chia ly sự sống bằng nhiều câu thơ cùng chung tâm thế thản nhiên đón nhận:
- Ăn - chẳng thiết
Chơi cờ - chẳng thiết
Chỉ muốn nằm cho cỏ mọc trên lưng
(Buồn hoang)
- Hãy cho ta làm nũng đời một chút
Rồi chia xa, vào chống Hư không
Ai chẳng phải một lần Đi mãi mãi
Đi không về. Đi vào Cõi mênh mông
(Làm nũng)
- Hãy tưởng tượng: Tôi đã nằm dưới hố
Còn giơ bốn chân tay "khua khoắng" của đời
Tôi "lãi" thế bởi đã nhiều chết hụt...
(Tôi đang sống...)
Lý giải về sự ám ảnh cái chết trong thơ mình, Hoàng Cát nói: "Alexandre Dumas (con) từng dạy con rằng: ‘Mỗi bình minh, con hãy một lần nghĩ đến cái chết. Nghĩ để sống tốt hơn’. Tôi quan niệm, cuộc sống này sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa nếu không có cái chết. Nó nhắc nhở mình phải sống làm sao để được thanh thản khi nằm xuống". Hoàng Cát nói nhiều về sự thanh thản, về tâm thế không oán giận cuộc đời. Thơ ông trên bề mặt câu chữ cũng thản nhiên trước cái chết. Nhưng chữ nghĩa, ở tầng sâu của nó, không giấu nổi cảm giác thực của một người mệt mỏi, rã rời sau nhiều cuộc chiến đấu để giành giật sự sống và bảo toàn lòng tự trọng của một nghệ sĩ. Chính vì vậy, khi thiết kế trang bìa cho tập thơ Thanh thản, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã chọn hình ảnh Hoàng Cát đau đáu chọc trán suy nghĩ. Nguyễn Trọng Tạo nói: "Đây là sự thanh thản của một thi nhân, của một con người cả nghĩ".
Trang bìa tập thơ. |
Tâm sự trong buổi giới thiệu tập thơ, Hoàng Cát dành nhiều lời tri ân cho bầu bạn. Ông nhắc nhiều đến Xuân Diệu - người anh, người thày, người bị dị nghị có mối tình trai với ông qua những câu thơ như: "Một tấm lòng em sâu biết bao/Để anh thương mãi, biết làm sao!/Em đi xa cách, em ơi Cát/Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu...". (Em đi). Hoàng Cát kể: "Xuân Diệu làm bài thơ đó tặng tôi khi tôi đi B. Nhiều người bảo đó là một bài thơ tình. Tôi cũng không bao giờ phủ nhận".
Hoàng Cát làm nhiều thơ tặng bạn, bạn bè cũng dành cho ông nhiều ân tình. Trong buổi ra mắt tập thơ, ông nhận được nhiều hoa, quà của bạn thơ từ Nam chí Bắc. Đặc biệt, trong lúc ngồi nghe thơ ông, nghe chuyện đời ông, bác Đinh Văn Niêm, một người tự nhận chưa từng làm thơ, đã ngẫu hứng viết những dòng xúc động:
Anh ngồi nghe thơ em
Vị đắng trào lên cổ
...
Ngắt một mảnh trời xanh
Che ra ngoài cửa sổ
Để những buồn những khổ
Không phải vào thơ em
Nghe những vần thơ này, Hoàng Cát đã khóc - giọt nước mắt thanh thản đón nhận tình bầu bạn giữa cuộc đời thơ. Thơ ca lấy đi của ông rất nhiều nhưng cũng bù đắp lại không ít mối chân tình.