Chị Đoàn Kiều Linh - con gái nhà thơ - cho biết ông qua đời vì bệnh tuổi già. Cách đây sáu tháng, ông bị ngã nên không thể đi lại, phải nằm một chỗ. Sức khỏe của ông vì thế mà suy giảm dù gia đình tận tình chữa trị.
Những ngày cuối đời, ông sống cùng con trai. Không thể đi lại nhưng đầu óc ông vẫn minh mẫn, tỉnh táo nên thường đọc sách, theo dõi tin tức. Nhà thơ hạnh phúc mỗi khi được các cháu đọc truyện, thơ và hát những ca khúc Hà Nội mà ông yêu thích. "Có gia đình, con cháu quây quần bên cạnh nên ông nhận được trọn vẹn tình yêu thương cho đến giây phút cuối đời. Ông ra đi với nụ cười trên môi", chị Linh nói.
Do dịch, tang lễ nhà thơ được cử hành đơn giản trong phạm vi gia đình. Các thành viên đều được xét nghiệm Covid-19, đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Linh cữu nhà thơ được quàn tại nhà riêng ở Thái Hòa, Bến Cát. Thi hài ông an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Sala Garden ở Long Thành, Đồng Nai ngày 29/7.
Nhà thơ Đoàn Vy sinh năm 1939 trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, từng có thời gian làm giáo viên trung học tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Năm 1975, ông vào TP HCM dạy học.
Đoàn Vy đến với thơ ca khá muộn, khi đã ngoài 40 tuổi, với những tác phẩm đăng trên báo Văn nghệ TP HCM. Thơ ông được nhận xét có tính trải nghiệm, táo bạo và mới lạ trong ngôn ngữ. Năm 1999, ở tuổi 60, ông phát hành tập thơ đầu tay Chỉ giấc mơ thôi (NXB Trẻ) và năm 2014, xuất bản tập thứ hai - Đột ngột hoa về (NXB Hội Nhà văn). Sinh thời, nhà thơ Đoàn Vị Thượng nhận xét: "Thơ ca tặng cho anh sự hồn nhiên của tuổi trẻ và anh lại tặng cho thơ ca sự thông thái của tuổi già. Cái trẻ của ngôn ngữ, cảm xúc và cái già của suy tưởng, cấu tứ đã lẫn vào nhau trùng điệp trong nhiều bài thơ của anh". Đoàn Vị Thượng dẫn chứng bốn câu trong bài Không đề 1: "Lá lẫn vào lá/ Hoa lẫn vào hoa/ Riêng khuôn mặt của mỗi chúng ta/ Không lẫn vào đâu được". Hay như trong bài Lụa là Hà Đông, có đoạn: "Hà Đông có dịp tôi về/ Lụa nhà nõn quá tôi đề câu thơ/ Câu thơ áo mẹ tôi thờ/ Áo em tôi khoác đôi bờ Nhuệ Giang/ Câu thơ vất vả chạy càn/ Chạy từ thời chiến chạy sang thời bình".
Ông gia nhập Hội Nhà văn TP HCM từ năm 1981 - khi mới thành lập - cùng thời với nhà thơ Phương Đài, Đoàn Vị Thượng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng... Cuối thập niên 1980, ông làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ của Cung Văn hóa Lao động.
Hiểu Nhân