H.T. -
![]() |
Nhà thơ Chính Hữu. |
Năm 1947, Chính Hữu bắt đầu gia nhập thi đàn kháng chiến với bài thơ Ngày về. Với những câu thơ như: "Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa", hình ảnh người chiến sĩ hiện lên trong thơ ông đẹp lãng mạn, mang màu sắc của những anh hùng xưa. Bài thơ Ngày về trở thành một dấu mốc quan trọng, ghi lại dấu ấn ngày đầu Chính Hữu đến với thơ ca cách mạng - dòng thơ trở thành vệt cảm hứng xuyên suốt và trở đi trở lại trong sáng tác của ông.
Chính Hữu gần như chỉ viết về người lính, tình đồng đội, kháng chiến. Sau Ngày về, đặc biệt là từ khi trở thành một chiến sĩ thực thụ, ông viết chân thực hơn qua những vần thơ gắn liền với cuộc sống chiến đấu của người lính, như: Giá từng thước đất, Thư nhà, Ngọn đèn đứng gác... Trong đó, nổi tiếng nhất là bài Đồng chí: "Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau". Bài thơ đã được phổ nhạc, trở thành một trong những ca khúc được yêu thích ở đề tài quân đội và người lính.
Chính Hữu viết chậm và công bố ít. Thơ ông mới chỉ in 3 tập: Đầu súng trăng treo (1966), Thơ Chính Hữu (1977), Tuyển tập Chính Hữu (1988). Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật đợt II (2002).
Lễ truy điệu và an táng nhà thơ Chính Hữu sẽ diễn ra vào 30/11.