- Nhiều người nói nhà thơ Bùi Chí Vinh quá "dũng cảm" khi tổ chức triển lãm tranh lần thứ hai. Anh nghĩ sao?
- Trình diện sự sáng tạo nghệ thuật trước đám đông là động lực duy nhất để tôi thực hiện các cuộc triển lãm này. Tôi không phải là một người làm văn nghệ "lá ủ" sống khép nép, sáng tác chôn giấu, tự đánh giá mình tài nghệ siêu đẳng rồi vẽ ra, viết ra chỉ để... một mình mình đọc. Từ nhỏ tôi đã là một người sáng tác công khai trước đám đông, đọc thơ trước đám đông, làm phim cho đám đông và chấp nhận mọi bình phẩm của chúng sinh thập loại để... rút kinh nghiệm.
Từ phong cách sống và sáng tác dấn thân ấy nên tôi quyết định triển lãm "55 tranh sơn dầu Bùi Chí Vinh", lần thứ hai, liên tiếp trong hai năm.
- Ai là người hỗ trợ anh thực hiện cuộc chơi nghệ thuật này?
- Một điều nữa cũng cần nói rõ, tôi có không ít kẻ thù và rất nhiều người thương mến, mến tài hoặc mến cách sống. Họ giúp đỡ tôi một cách vô vụ lợi, chẳng ai muốn tôi nêu tên trên hệ thống truyền thông. Tuy nhiên thiên hạ giúp là một lẽ, bản thân tôi tự lo tài chính là chủ lực. Bởi triển lãm tranh sơn dầu rầm rộ như thế, ở những địa điểm có nhiều khách nước ngoài lui tới như thế thì tiền bạc đầu tư phải nói là khá lớn. Không ai có thể gánh thay cho mình. Và nếu dám tự lập, dám liều lĩnh thử thách mình kiểu đó thì danh xưng "Người dũng cảm" mà bạn bè gán tặng cho cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Khỏi cần phải thuyết minh thêm về cuộc sống khó khăn của họa sĩ nói riêng và kẻ sĩ nói chung giữa thời "gạo châu củi quế" đang rất cần sự dũng cảm để tồn tại hiện nay.
- Điều gì khiến anh say mê hội họa?
- Hội họa là một môn phái nghệ thuật quý tộc. Giá vốn để hoàn thành một bức tranh sơn dầu không hề nhỏ nhưng đã lao vô nghiệp chướng thì phải chấp nhận. Trong cuộc đời một nghệ sĩ, thượng đế chỉ gõ chiếc đũa thần phép lạ vài lần. Có lần gõ ra Thơ, có lần gõ ra Văn chương, có lần gõ ra Điện ảnh, nhưng lần này tôi bị Ngài gõ xuống đầu Hội họa. Mà đã bị gõ thì phải vẽ, vẽ như điên vẽ như phát cuồng, vẽ như sắp tán gia bại sản.
- Làm thơ vốn khó bán, vậy khi vẽ tranh anh đối mặt với tình hình như thế nào?
- Đầu tháng 11/2012, tôi đã bán được 5 bức tranh tại triển lãm mang tên "Ngày sinh của ngựa" tổ chức tại Bảo tàng TP HCM. Tôi chưa trải qua trường lớp nào về hội họa, lần đầu tiên triển lãm tranh, còn thành tích đoạt giải Hội họa thiếu nhi châu Á lúc mới lên 9 tuổi với bức tranh Quang Trung hành quân thì đã quá… "diễm xưa" rồi. Vậy mà tôi lại bán được tranh, bán ngon lành, bán không hề lỗ vốn thì tại sao tôi lại không tiếp tục đam mê hội họa. Lần này trong tư thế "có công mài sắt có ngày nên kim" tôi tiếp tục thử lửa 55 bức sơn dầu chắc chắn không giống ai, còn chuyện giới chuyên môn đánh giá hay, lạ, hoặc độc đáo thì thuộc về chuyện của người thưởng thức.
- Anh là người tham gia nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật, nếu bị bắt buộc chỉ được chọn một thứ, anh chọn gì?
- Thơ, và chỉ một thơ mà thôi. Nếu định đề Euclid về Toán học áp dụng trong sự đa mang nghệ thuật của tôi, thì tôi chỉ có thể kẻ thêm một đường thẳng song song với Thơ là Điện ảnh và chỉ thêm Điện ảnh mà thôi. Vì xét cho cùng tôi đã bắt đầu lớn tuổi, thành tích kỷ lục về văn xuôi với 110 cuốn tiểu thuyết thiếu niên xuất bản trong hai năm liên tục là 70 cuốn Tứ quái TTKG và 40 cuốn Ngũ quái Sài Gòn đã qua lâu lắm rồi, bây giờ có đơn đặt hàng viết tốc độ như thế chắc khó viết nổi. Còn hội họa như đã nói, là môn nghệ thuật quý phái. Tôi là dân lãng tử giang hồ thành thử chỉ ghé chân lúc chiếc đũa thần phép lạ của thượng đế gõ xuống đầu thôi.
- Anh ấp ủ kế hoạch gì cho lần triển lãm thứ ba?
- Việc đó khó nói trước. Nó tùy thuộc vào số lượng tranh được bán ra đến đâu. Cảm thấy mình vẽ được, cảm thấy mình tự tin là một chuyện nhưng nếu tranh vẽ ra không có người mua thì lấy đâu vốn liếng mà tái tạo, mà triển lãm. Nhưng "đầu xuôi thì đuôi lọt". Lần thứ nhất bán được thì hy vọng lần triển lãm này thành công để có thể tiếp tục triển lãm lần thứ ba trong tương lai.
Thường Đoan thực hiện