Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Càng đọc được hồn anh, tôi càng hiểu hồn tôi và ngược lại. Có người nói với tôi: Thiên hạ bao nhiêu người đáng yêu, sao anh chỉ yêu mỗi ông Sơn? Tôi đã trả lời họ thế này: Là vì trong ông Sơn đã có tất cả rồi, tôi yêu ông Sơn là yêu cả thiên hạ đấy. Có người lại nói: Anh nói trong ông Sơn chỉ có buồn thôi là không đúng, ông ấy cũng rất vui. Tôi chịu câu nói này là đúng. Té ra xưa nay tôi chỉ hưởng phần buồn trong anh thôi sao? Những lúc có một mình, tôi vẫn hát: Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi, về giữa trời về hót giữa đời tôi, hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé... Vui quá đi chứ, mà vui thật lòng, tiếng hát như từ nơi nào đó tự đáy lòng cất lên. Tôi làm sao có thể chối từ phần vui ấy nơi anh. Lỗi là ở chỗ, khi buộc phát ngôn một điều gì đó mà không phải là văn bản pháp quy chẳng hạn, người ta thường chỉ có thể nói lên điều cơ bản, những ý tưởng chính, những cảm xúc mạnh nhất mà thôi.
Sự đầy đủ quá làm giảm đi ấn tượng. Có thể, anh như pho tượng tròn - không phải thứ phù điêu một mặt - mỗi người thường chỉ tiếp cận với anh từ một phía, với người này là phía buồn, người khác là phía vui. Có thể, ở anh tất cả đã hòa thành làm một với bản thể, không còn phân biệt đâu là buồn, đâu là vui, như dòng sữa chảy ra chỉ một màu trắng trong, một vị ngọt ngào, người nhấm nháp mấy ai ngồi tách bạch xem trong ấy có trộn lẫn những thứ protein, lipid hay vitamin gì khác nữa... Vậy nên, cũng có thể, vào một thời khắc nào đấy, chưa chừng cái người bắt bẻ tôi hôm nay lại chịu lời tôi là đúng, như lúc này tôi đã chịu lời người...
Nhưng nói gì thì nói, tôi chỉ biết một điều, là mỗi lúc buồn bã hay cô đơn, chán chường hay tuyệt vọng, tôi đều đến với anh để tìm sự chia sẻ. Mà những lúc như thế thì nhiều lắm. Thứ thuốc giảm đau công hiệu, người khách quen thường nhật của hồn tôi, người chờ tôi ở cuối nỗi đau là một người gày gò, mảnh khảnh, sức vóc trói gà không chặt. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, không hiểu người lấy đâu sức lực để gánh suốt đời tâm hồn đồ sộ quá cỡ của mình. Tâm hồn và tài năng, hai gánh nặng đã đè trĩu đôi vai bé nhỏ của con người yếu ớt ấy như một định mệnh không chịu buông tha, dù có lúc anh muốn vứt nó đi cũng không được. Đã nhiều lần anh than thở cho mình, tiếng than vãn thành thực hiếm thấy: Đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo tôi đây... Sức mạnh của anh Sơn trước hết nằm trong chính sự thành thực đến thơ ngây ấy. Trong thế giới tâm hồn rộng lớn và trong suốt của con người này không có một chỗ nào khuất tất. Sáu trăm bài hát là sáu trăm ô cửa mở cho ta đi vào căn buồng của tâm hồn anh. Không có gì giấu giếm và cũng không có gì để mất, anh đem tất cả hồn mình sẻ chia cũng đồng loại, đánh thức ở họ những vùng tâm cảm còn chìm trong bóng tối. Và do vậy, âm nhạc của anh chẳng có gì khác hơn là cái cách anh giúp con người trò chuyện với chính mình, giúp con người tự hát lên bằng ngôn từ và giai điệu của cái thế giới riêng tư và thầm kín của chính mình. Một điều giản dị như thế nhưng không phải dễ dàng nhận thấy.
Đã bao lần tôi cố tìm hiểu xem tại sao những lúc buồn bã, đau khổ nhất, hễ cứ nghe anh một lúc, hoặc như thời gian gần đây, tôi tự hát ca khúc của anh lên một lúc, thì lòng chợt dịu lại, vết thương như có bàn tay ai nhè nhẹ xoa dịu dần. Và rốt cuộc tôi đã hiểu ra, cái sức mạnh bí ẩn của anh chính là ở chỗ: anh làm cho tôi tự yêu tôi hơn. Bởi trên đời này, khi ta buồn bã, chán chường, thì trong chỗ sâu xa nhất chính là ta buồn vì ta, ta chán vì chính ta. Và anh luôn đến kịp để làm điều ngược lại, anh giúp nhận thấy rằng ở ta vẫn vẹn nguyên một phẩm chất người, vẫn đằm thắm yêu thương, vẫn dịu dàng khả ái, vẫn hiểu thấu hết lẽ đời để bao dung, độ lượng. Ta chỉ nhường bước trước trời đất và lẽ vô thường, bởi ta đã học cách sống chung với đớn đau và tuyệt vọng mà không hề giận hờn trách oán. Với anh, ta ung dung để sống và để chết, ta tìm thấy sự thanh thản cuối cùng của lòng mình. Và như thế, anh đã hòa cùng làm một với Đấng Cứu thế.
Thêm một ấn tượng nữa: một mình với Trịnh Công Sơn luôn như không phải một mình. Luôn như ở giữa tôi và anh vẫn còn một người thứ ba không rõ mặt - một người bạn đã xa chăng, hay một người tình đã mất? Cũng không rõ nữa. Chỉ biết rằng khi tôi cất tiếng hát, là hình như tôi đang hát cho một người nào đó nghe, dẫu xung quanh tôi bấy giờ không một bóng người. Người ấy là ai vậy? Thôi, tôi hiểu ra rồi. Đó là một hình bóng giả tưởng, một tâm hồn đồng điệu mà dường như đến nay tôi chỉ gặp trong mơ. Trong niềm hạnh phúc tột cùng được chìm đắm trong âm nhạc của anh, tôi luôn khao khát có thêm một tâm hồn hòa điệu. Đã có lúc tôi hát cho một con người bằng xương bằng thịt ngồi nghe mà vẫn như hát vào chỗ không người, hay đúng hơn, tôi vẫn hát cho một người vắng mặt nào đó đang lắng nghe tôi, chứ không phải cho con người đang ngồi trước mặt. Và tôi khao khát đến cháy lòng, một lần nào đó trong đời, con người trong mơ ấy bước ra giữa đời thực, và tôi được hát cho người nghe nhạc của anh Sơn, dẫu chỉ một lần...Nhưng tôi biết, điều ấy gần như là không thể, dù rằng nếu cố gắng lục lọi khắp thế gian rất có thể rồi cũng tìm ra một tâm hồn giống ta như tạc. Nhưng ngay cả lúc ấy nữa, nói như nữ thi sĩ Ba Lan, Symborska: chúng ta vẫn khác nhau như hai giọt nước! Và như thế, con người thứ ba đó, người hát cùng nhạc Trịnh với tôi, sẽ không bao giờ tồn tại ở trong đời.
Tôi đã giữ anh cho mình lâu quá chăng, và vì thế những người khác sẽ thiếu anh. Đã đến lúc tôi phải trả anh lại cho người khác. Hãy bay đi, cái nửa thứ hai của tâm hồn tôi, thiên sứ mong manh trên đôi cánh của tình yêu...
Anh Ngọc
(Theo Tiền Phong)