21h, Nguyễn Minh Tuấn tháo bộ đồ bảo hộ sũng mồ hôi để lên xe buýt cùng 45 tình nguyện viên rời Bệnh viện Hồi sức Covid-19, thành phố Thủ Đức, kết thúc ca trực dài tám tiếng. Chỗ nghỉ của họ gần một tháng nay là hội trường Nhà Thiếu nhi quận 9. Cơm canh để sẵn, anh lùa vài đũa lót dạ rồi đi giặt đồ. Nếu không gọi điện hỏi thăm mẹ ở quê, anh sẽ ngả lưng sớm trên chiếc ghế bố được cấp từ ngày đầu nhận nhiệm vụ. Trước khi ngủ, anh tranh thủ tập các bài hít thở sâu, bổ sung oxy cho phổi sau một ngày mặc đồ bảo hộ.
Nhà thiết kế sinh năm 1992 đăng ký trở thành một trong 160 tình nguyện viên vào ngày 22/7, phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 - nơi chữa trị các F0 nặng và nguy kịch. Mẹ anh ban đầu khóc, phản đối khi người con duy nhất không chịu về quê mà lao vào tâm dịch. Nhưng bà xiêu lòng trước sự cứng rắn của con.
Minh Tuấn cho biết cửa tiệm thời trang của anh đóng cửa lâu ngày vì dịch, nhân viên cũng đã về quê. Anh và bạn thân - Võ Tấn Đạt - đọc được thông tin tuyển tình nguyện viên chăm sóc F0 nên nộp đơn. Anh nói: "Tôi thấy nhiều bạn bè xung quanh tham gia làm hậu phương cho tuyến đầu, nhưng đến bệnh viện thì ít ai đăng ký. Tôi đọc báo, thấy thương các bác sĩ, y tá làm việc ngày đêm và muốn góp sức giúp đỡ họ. Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ làm những công việc này".
Họ trải qua hai ngày tập huấn online về các kiến thức chống dịch do bác sĩ tuyến đầu đảm trách. Vượt qua vòng thi lý thuyết cuối khóa, họ trao đổi với tổ tư vấn để xem tâm lý sẵn sàng chưa. Sau đó, Tuấn và Đạt được đón lên bệnh viện và tập huấn trực tiếp cùng những đồng đội khác. Thầy Thích Chúc Khai - trưởng đoàn tình nguyện viên Ban Tôn giáo phụng sự của bệnh viện - cho biết: "Dù số lượng nhân sự hỗ trợ tuyến đầu vẫn còn thiếu rất nhiều, chúng tôi phải làm kỹ trong khâu tuyển chọn và huấn luyện, đảm bảo họ đủ sức khỏe lẫn tinh thần để phục vụ bệnh nhân tận tâm nhất".
Các cán bộ y tế thị phạm và dặn dò kỹ lưỡng trước khi cho tình nguyện viên gặp bệnh nhân. Tuấn và các bạn được học từ cách mặc đồ bảo hộ đúng chuẩn, đóng gói rác, phun khử khuẩn cho đến vệ sinh cho F0 an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Mỗi tình nguyện viên đều có thẻ từ để vào khu vực chăm sóc đặc biệt. Lần đầu bước qua cánh cửa này, Tuấn hồi hộp khi đi giữa một gian phòng trắng toát, đầy mùi thuốc sát khuẩn và giường bệnh.
Chưa từng làm những công việc này trước đây nhưng Nguyễn Minh Tuấn tự tin vào tính tỉ mỉ, gọn gàng của bản thân. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, từ một người chỉ tiếp xúc với vải vóc, bản vẽ và những người nổi tiếng, anh quen dần với công việc thu gom rác, vệ sinh phòng bệnh, thăm hỏi F0 và báo bác sĩ, điều dưỡng khi họ trở nặng. Anh không áp lực hay sợ hãi khi tiếp xúc với người bệnh nặng, luôn kiềm chế cảm xúc để cùng bác sĩ hỗ trợ họ. Vừa làm, anh vừa cầu nguyện. Mỗi ca trực có khoảng bốn người phụ trách một dãy phòng, trung bình một người hỗ trợ 15-20 ca. Vì vậy, họ phải đảo mắt liên tục để không bỏ sót một dấu hiệu bất thường nào.
Tuấn cho biết: "Mỗi ngày, tôi vào từng phòng lau dọn rác thải y tế, vết máu, nước tiểu..., vừa làm vừa hỏi bệnh nhân có cần giúp đỡ gì không. Thường là chúng tôi sẽ thay đồ, thay bỉm, chải tóc, lau mồ hôi... cho họ". Nhiều ca bệnh nặng, phải nằm thở oxy liên tục nên không vào nhà vệ sinh được. Có lần thấy bệnh nhân loay hoay không biết phải thế nào, anh đến bên nói: "Không sao đâu, nhà mình cứ đi toilet tại chỗ, tụi con sẽ thay tã và dọn dẹp ". Những lần đầu, họ xấu hổ vì thay đồ trước mặt người lạ, anh phải động viên. Vài ngày sau, bệnh nhân đã gọi tình nguyện viên hỗ trợ.
"Thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi chuyện gì xảy ra nếu mình bị phát hiện dương tính. Rồi tôi tự trấn an bản thân được mặc đồ bảo hộ cấp bốn, đeo ba lớp găng tay, mũ chống giọt bắn, khẩu trang chuyên dụng và test Covid mỗi tuần. Hơn nữa, tôi đã được tiêm vaccine và có sức khỏe tốt, lỡ bị nhiễm thì có lẽ hồi phục nhanh chóng", Tuấn nói.
Ngoài nhiệm vụ cố định, đội tình nguyện viên nhận thêm vài việc không tên như trò chuyện, hát múa, tấu hài... để xốc dậy tinh thần bệnh nhân. Mỗi ngày, nhóm tình nguyện viết lên đồ bảo hộ của nhau những dòng chữ thay lời động viên: "Bà con cố lên", "Yên tâm nhé, có chúng tôi rồi"... kèm tên để dễ nhận diện. Thấy nhiều người buồn bã, đi ra đi vào vì không có ai tiếp tế đồ ăn, họ mua bánh ngọt tặng. "Các bệnh nhân dễ cô đơn vì vốn quen có người nhà bên cạnh chăm sóc khi nằm viện. Chúng tôi bảo họ hãy xem mình như con cháu, có thể tâm sự hay nhờ vả bất cứ điều gì", Tấn Đạt nói.
Trải qua ba tuần ở bệnh viện, Tuấn thấy đầu óc thoải mái, nhẹ nhàng, tạm quên đi những áp lực kinh tế khi cửa hàng đóng cửa nhiều tháng. Anh tìm niềm vui khi làm việc và nói chuyện với Đạt cùng các đồng đội khác. Nhiều người trong nhóm là các tăng ni, sơ... từ nhiều cơ sở tôn giáo, có chung lý tưởng về công tác thiện nguyện.
Nguyễn Minh Tuấn còn khoảng một tuần nữa là hoàn thành nhiệm vụ, được cách ly tập trung thêm 14 ngày trước khi về nhà. Anh nói đã nhận được vài đơn đặt hàng thiết kế váy áo cùng một số kế hoạch nhưng vẫn suy nghĩ khi trưởng đoàn hỏi: "Có dự định đi thêm một tháng nữa không?".
"Trước đây, tôi mải mê kiếm tiền bất chấp sức khỏe, có khi hai tháng mới về quê thăm bố mẹ một lần. Vào đây, thấy mọi người thở khó nhọc bên những chiếc bình oxy, tôi biết quý trọng sự sống và thương gia đình nhiều hơn", anh nói.
Vân An (ảnh, video: nhân vật cung cấp)