"Dù giới chức đã tăng công suất các lò hỏa táng để xử lý 260-280 thi thể mỗi ngày, tình hình vẫn chưa được giải quyết", chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tang lễ Hong Kong Kwok Hoi-bong ngày 11/3 cho biết, đồng thời kêu gọi chính quyền đặc khu hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề.
Trong cuộc họp với quan chức Hong Kong ngày 10/3, Kwok nói các nhà tang lễ tại đặc khu đã kín chỗ cho tới giữa hoặc cuối tháng 4. Hong Kong có 121 nhà tang lễ, trong khi đặc khu ghi nhận trung bình 200 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày.
Ông kêu gọi giới chức Hong Kong cho phép triển khai các dịch vụ tang lễ đơn giản tại các bệnh viện công để cho phép các gia đình từ biệt người thân. Điều này giúp rút ngắn thủ tục, thay vì buộc các gia đình phải chờ vài ngày để tổ chức tại nhà tang lễ.
"Nhiều gia đình nạn nhân qua đời do Covid-19 bày tỏ thất vọng khi một số bệnh viện ban đầu đồng ý, nhưng sau đó lại từ chối triển khai các dịch vụ này", Kwok cho biết.
24 bệnh viện do Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hong Kong quản lý đã triển khai dịch vụ tiễn biệt, cung cấp phòng nhỏ cho thân nhân tổ chức lễ tưởng niệm đơn giản cho người đã mất. Thi thể sau đó sẽ được chuyển tới lò hỏa táng hoặc nghĩa trang.
Kwok cũng cho biết giới chức Hong Kong chậm cấp giấy chứng tử, thời gian làm thủ tục này tăng từ 3-4 ngày lên 6-8 ngày trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp tại đặc khu.
Leung Pak-Wai, quản lý Nhà tang lễ Cửu Long ở Đại Giác Trớ, cho biết một số gia đình cảm thấy yên tâm với các dịch vụ tiễn biệt đơn giản tại bệnh viện thay vì tổ chức một tang lễ chính thức với nguy cơ lây nhiễm cao.
Leung cho biết một trong những khách hàng của ông phải chờ tới 10 ngày để nhận giấy chứng tử cho người thân. Tình trạng chậm cấp giấy chứng tử gây ra hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới các hoạt động sau đó, khiến thi thể được lưu giữ lâu hơn ở các nhà xác vốn đã quá tải.
Thân nhân người đã qua đời cần hoàn thành thủ tục tại bệnh viện, làm giấy chứng tử và xin lệnh hỏa táng từ các bộ phận liên quan. "Chúng tôi từng hoàn thành các giấy tờ này chỉ trong 30 phút, nhưng nay phải chờ tới 7 tiếng", Leung cho biết.
Tik Chi-yuen, nhà lập pháp thuộc bộ phận phụ trách phúc lợi xã hội tại Hong Kong, đề nghị chính quyền đặc khu biệt phái các công chức, đặc biệt những người làm việc trong lĩnh vực hành pháp, tới bệnh viện để xúc tiến thủ tục hành chính và giấy tờ liên quan.
Phát ngôn viên Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hong Kong cho biết một số bệnh viện đã lập khu lưu giữ thi thể tạm thời và tăng cường nhân lực xử lý. Các bệnh viện sẽ chuyển văn bản cần thiết tới tay người thân sau khi bệnh nhân qua đời 2-3 ngày, trừ những trường hợp cần điều tra hoặc khám nghiệm tử thi.
Theo thống kê của trang Our World in Data, Hong Kong ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 33,74/1.000.000 người, cao nhất thế giới. Hong Kong đã ghi nhận hơn 700.000 ca nhiễm và hơn 3.900 ca tử vong.
Giới chức y tế Hong Kong cho biết gần 90% ca tử vong trong đợt bùng phát dịch lần thứ năm này là những người chưa tiêm vaccine Covid-19, hầu hết trên 60 tuổi. Chỉ khoảng 30% người Hong Kong trên 80 tuổi đã tiêm hai mũi vaccine, dù đặc khu triển khai chiến dịch tiêm chủng hơn một năm.
Đức Trung (Theo SCMP)