Nhà Trần được ghi danh sử sách khi ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Đền Trần, nơi phát tích và có lăng mộ vua, hoàng hậu, danh nhân nhà Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giới sử học và dòng họ Trần tranh luận về thân phụ của thái sư Trần Thủ Độ - người tận lực phò trợ vua Trần gây dựng cơ nghiệp.
Sự việc bắt nguồn từ năm 2007, tại một hội thảo khoa học về Trần Thủ Độ, nhà sử học Dương Quảng Châu công bố Trần Hoằng Nghị (Hoằng Nghị đại vương) đã sinh ra Trần Thủ Độ và có nhiều đóng góp trong chiến đấu, khai hoang, lập ấp. Quan điểm này được PGS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đồng tình và in thành sách.
Tại hội thảo tổ chức ở Hà Nội sáng 26/8 do Hội đồng họ Trần Việt Nam tổ chức, PGS Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, chia sẻ: "Kể từ khi xuất hiện, nhân vật Trần Hoằng Nghị đã gây tranh cãi, làm phân tâm, chia rẽ trong họ Trần và xã hội". Ông mong các nhà nghiên cứu chứng minh, làm rõ Trần Hoằng Nghị có phải là cha Trần Thủ Độ, có xứng đáng được đưa vào chính sử để phổ cập cho thế hệ trẻ hay không?
Sau khi khảo cứu các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Thông sử, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục..., nhà sử học Đặng Hùng (Hội sử học Thái Bình) khẳng định: "Kết luận Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ là thiếu cơ sở khoa học".
Các bộ sử Việt Nam chỉ nêu Trần Thủ Độ sinh năm 1194, được Trần Lý nuôi từ nhỏ ở Lưu Gia, Tinh Cương, Hương Đa Cương (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Hơn 800 năm, qua nhiều hội thảo, tranh luận, nhưng chưa nhà nghiên cứu nào chứng minh được cha, mẹ Trần Thủ Độ là ai.
Theo ông Đặng Hùng, thông tin Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ chỉ là tư liệu điền dã, truyền miệng, chứ không căn cứ trên văn bản, tài liệu khảo cổ học. Hai văn bản cổ là Trần triều thế phả hành trạng và Trần thế gia tộc kí tự được viết bằng chữ Hán, do người Pháp phát hiện năm 1938 không ghi nhận nhân vật trên là cha Trần Thủ Độ.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS Phạm Quốc Sử (Đại học Hà Nội) cho rằng hiện chưa tìm được văn bản nào ghi cha Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Các sử liệu mới khẳng định Trần Thủ Độ mồ côi cha, mẹ, lúc nhỏ sống với bác ruột là Trần Lý ở Lưu Gia Thôn.
Ông Sử nói: "Những công bố về cha Trần Thủ Độ không có cơ sở khoa học, nếu chỉ dừng ở hội thảo, ý kiến cá nhân thì không ảnh hưởng nhiều mà chỉ rộng đường tranh luận. Nhưng nếu được in thành sách phải gỡ bỏ, tránh gây ngộ nhận trong nhân dân".
Nhà nghiên cứu Vũ Hữu Sự lập luận, Trần Hoằng Nghị là nhân vật không có thật bởi trên cả nước không tìm thấy đình, đền thờ.
Trần Thủ Độ (1194-1264) đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, phò trợ vua Trần gây dựng cơ nghiệp vững mạnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua".
Tháng 7/2018 NXB Chính trị quốc gia sự thật và Viện Sử học phải dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông (9 tập), vì bị đại diện họ Trần cho rằng chi tiết viết cha Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị là sai sự thật lịch sử. Sau đó, Viện Sử học giải trình rằng, đây chỉ là giả thuyết.