Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, Điều 605 Bộ luật Dân sự quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác; khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Về yếu tố bất khả kháng, khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Với các quy định nói trên, khi bạn san gạt đất để xây nhà thì bạn hoàn toàn có thể lường trước được hậu quả sẽ sạt lở đất đá khi có mưa bão nhưng bạn đã không xây kè đủ chắc chắn dẫn đến sạt lở nên không thuộc trường hợp bất khả kháng. Nói cách khác, bạn có lỗi (cố ý hoặc vô ý) khi gây thiệt hại cho người khác thì bạn phải bồi thường.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội