Phát mãi tài sản là việc tổ chức tín dụng bán tài sản thế chấp của bên vay khi không trả nợ đúng hạn. Tài sản thế chấp có thể bị xử lý thông qua các phương thức theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015.
Quy trình phát mãi tài sản của ngân hàng bao gồm các bước chính sau:
- Xác định vi phạm hợp đồng: Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, ngân hàng bắt đầu các bước pháp lý để phát mãi tài sản.
- Thông báo phát mãi: Theo quy định của pháp luật, ngân hàng sẽ ra thông báo bằng văn bản về việc phát mại tài sản bảo đảm đến các bên liên quan, nêu rõ lý do, mô tả tài sản, nghĩa vụ bảo đảm và thông tin về địa điểm, thời gian, phương thức xử lý tài sản.
- Định giá tài sản phát mãi: Tài sản sẽ được định giá bởi các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp theo quy định về phát mại tài sản thế chấp hoặc thỏa thuận giữa các bên, đảm bảo giá phù hợp với thị trường.
- Đấu giá công khai: Tài sản được bán thông qua đấu giá công khai để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Thông tin liên quan đến đấu giá phải bao gồm: tên tài sản và địa điểm tài sản đấu giá, tên của tổ chức và người có tài sản đấu giá, địa chỉ của tổ chức và người có tài sản đấu giá, thời gian và địa điểm đấu giá, điều kiện và cách thức đăng ký tham gia đấu giá, cùng với giá khởi điểm và tiền đặt trước nếu có.
- Chuyển nhượng tài sản: Sau khi tài sản được bán, số tiền thu về sẽ được sử dụng để thanh toán khoản nợ.
Thời gian cụ thể cho việc phát mãi phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị và thủ tục đấu giá, thường kéo dài từ vài tháng tùy tình hình thực tế và thủ tục tại ngân hàng.
Để có thời gian tìm cách trả nợ, chuộc lại tài sản trước khi tài sản bị phát mãi, bạn có thể làm đơn đề nghị ngân hàng gia hạn thêm thời gian trả nợ. Hoặc bạn làm đơn khởi kiện ra Tòa án, đề nghị tuyên hợp đồng bảo đảm vô hiệu, vì chị họ đã lợi dụng lòng tin của gia đình bạn để mượn sổ đỏ mang đi thế chấp mà không thông báo đầy đủ về rủi ro hoặc tình trạng tài chính của công ty; cố ý làm gia đình bạn hiểu sai lệch, nghĩ rằng việc làm ăn của chị họ đang rất thuận lợi, trong khi gia đình bạn không hề nhận được lợi ích nào từ việc này.
Theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép: "Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó".
Theo quy định này, bạn có thể đề nghị tòa án xem xét tính hợp pháp của việc thế chấp, đồng thời căn cứ vào Điều 111 và Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bạn cũng có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm ngừng việc phát mãi tài sản cho đến khi có Tòa án có phán quyết cuối cùng về tranh chấp.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội