"27 năm trôi qua và ngành công nghiệp bán dẫn đang chứng kiến tình hình địa chính trị lớn đang thay đổi thế giới. Toàn cầu hóa và thương mại tự do sắp gần như đã hết thời", Morris Chang nói trong lễ lắp đặt thiết bị tại nhà máy mới của hãng ở bang Arizona, Mỹ tuần trước.
Đây là nhà máy chip hiện đại đầu tiên của TSMC trên đất Mỹ kể từ năm 1995 và ông Chang cảnh báo sẽ cần rất nhiều sức lực để cơ sở này thành công. Ông cũng so sánh nhà máy Arizona với dự án 40 tỷ USD được TSMC triển khai ở bang Washington năm 1995, chỉ 8 năm sau khi công ty thành lập.
Bình luận được ông đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ cắt chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu thành hai phe. Những hạn chế của Washington nhắm vào tham vọng chip bán dẫn của Bắc Kinh khiến các công ty như TSMC ngày càng gặp khó trong phục vụ khách hàng tại Trung Quốc.
Ông Chang luôn mơ đến xây dựng nhà máy chip bán dẫn ở Mỹ, vì ông từng được đào tạo và làm việc tại nước này, nhưng quá trình này không suôn sẻ.
"Ban đầu tôi nghĩ giấc mơ đã thành hiện thực. Nhưng nhà máy đầu tiên gặp vấn đề về chi phí, sau đó là nhân lực và văn hóa. Giấc mơ trở thành ác mộng. Chúng tôi phải mất nhiều năm để gỡ rối và tôi quyết định hoãn giấc mộng của mình", ông nói.
Trong gần 30 năm sau đó, TSMC tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng chế tạo chip tối tân tại đảo Đài Loan. Chiến lược này giúp TSMC duy trì chi phí vận hành tương đối thấp, trong khi vẫn cải thiện năng lực sản xuất.
Buổi lễ lắp đặt có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và hàng loạt lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Ông chủ Nhà Trắng gọi nhà máy ở Arizona là chiến thắng trong nỗ lực sản xuất chip nội địa tối tân của Mỹ.
Washington cho rằng lý do phải thu hút các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn quan trọng về lãnh thổ Mỹ là nhằm giải quyết lo ngại về an ninh quốc gia và vấn đề nguồn cung. Nhiều lãnh đạo trong ngành nói thời đại toàn cầu hóa đang đi đến hồi kết và tìm kiếm nguồn cung nội địa là ưu tiên hàng đầu.
CEO AMD Lisa Su nhận định bảo đảm chuỗi cung ứng đang là một trong những ưu tiên cao nhất của các công ty bán dẫn. "Ngành bán dẫn đã trải qua nhiều khó khăn trong những năm qua. Bổ sung năng lực cung ứng từ nhiều khu vực địa lý khác nhau rất quan trọng. Chúng tôi muốn bảo đảm các dòng chip thiết yếu của mình đều có nguồn cung ứng bền vững", bà cho hay.
CEO Apple Tim Cook cũng hoan nghênh ý tưởng đưa năng lực sản xuất chip về Mỹ, bất chấp công ty của ông luôn dựa vào các nhà cung ứng toàn cầu để cắt giảm chi phí.
"Xây dựng nhà máy sản xuất chip là công việc khó khăn. Sự kiện này cho thấy TSMC sẽ là đối tác chủ chốt với mọi công ty muốn củng cố sức bền của chuỗi cung ứng", CEO Nvidia Jensen Huang nhận xét.
Apple, AMD và Nvidia sẽ là những khách hàng đầu tiên sử dụng sản phẩm từ nhà máy của TSMC tại Arizona.
Điệp Anh (theo Nikkei)