Thứ năm, 12/10/2023, 09:00 (GMT+7)

Năm 1992, ông Jean-Francois Harvey sáng lập Harvey Law Group - tập đoàn luật đa quốc gia trải dài trên 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Qua hơn 30 năm hành nghề, ông là một gương mặt có sức ảnh hưởng trong ngành luật di trú. Ông cũng có nhiều kinh nghiệm về luật thương mại và tư vấn thành công nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) cho các tập đoàn quốc tế và đa quốc gia.

- Quá trình khởi nghiệp của ông đã bắt đầu ra sao?

- Có thể nói, tôi là "con nhà nòi". Bố tôi là một luật sư và thẩm phán tòa án tối cao tại Canada. Tôi sinh ra đã được tiếp xúc với luật, thậm chí đã hiểu biết những kiến thức căn bản trước khi chính thức nhập học trường Luật.

Luật là lĩnh vực thú vị. Luật pháp là hệ quy chiếu công minh, khách quan. Luật pháp không có cảm xúc, nhưng cùng lúc nó cũng biến động và chuyển mình theo xã hội.

Xác định từ sớm rằng mình không muốn đi làm thuê cho người khác, tôi thành lập văn phòng luật vào năm 27 tuổi, khi vừa lấy bằng luật sư. Sau những vụ việc được xử lý thành công đầu tiên, mọi người giới thiệu tôi nhiều hơn cho nhau, dần dần, chúng tôi trở thành Công ty Luật Harvey Law Group như bây giờ.

- Điều gì ở thị trường Việt Nam đã thu hút ông và Harvey Law Group?

- Trước khi vào Việt Nam, chúng tôi chinh phục thành công thị trường Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc vẫn mang lại cho công ty nguồn doanh thu lớn, mọi thứ trên phát triển bùng nổ. Nhưng giác quan doanh nhân trong tôi thúc đẩy tôi phải đa dạng hóa đầu tư.

Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các thị trường trong khu vực. Khi đến TP HCM, có nhiều thứ khiến tôi ấn tượng, nhất là về con người. Người Việt Nam điềm đạm và lịch sự, kiên nhẫn lắng nghe, đặt câu hỏi và thương nghị một cách chừng mực hơn một số nền văn hóa khác. Bên cạnh đó, người Việt có văn hoá tuân thủ giao ước uy tín hơn. Tôi không thấy xu hướng ký hợp đồng hôm nay, phá vỡ hợp đồng ngay ngày hôm sau ở Việt Nam như tôi từng gặp. Đó là những điều khiến tôi tâm đắc.

Đương nhiên, chúng tôi nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng trước đó. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm. Mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, kéo theo xu hướng tất yếu về nhu cầu dịch vụ cơ bản nói chung và các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội nói riêng. Đây là nền tảng tạo đà cho hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Việt Nam đạt mọi tiêu chuẩn về một thị trường tiềm năng theo định nghĩa của Harvey Law Group.

- 13 năm sau, thị trường có chuyển biến ra sao?

- Thị trường Việt Nam hiện chín muồi hơn nhiều. Người dân giờ thông thái hơn, nhiều kiến thức hơn. Nền kinh tế được số hóa tốt hơn.

Nhưng nói về tỷ lệ cạnh tranh thì hơi buồn, vì hiện tại, mức độ không được như trước Covid-19 nữa.

- Lợi thế đặc biệt của Harvey Law Group trước các cuộc khủng hoảng kinh tế?

- Đó là sự đa dạng hóa cao về đầu tư. Một trong những lợi ích của việc có chi nhánh tại 13 vùng lãnh thổ tại 3 lục địa, là những chi nhánh có lợi nhuận tốt bù đắp cho chi nhánh bị ảnh hưởng, để hoạt động ổn định trên tổng thể.

Trong khủng hoảng, chúng tôi nhìn nhận và nắm bắt tốt những cơ hội kinh doanh. Ví dụ, Covid-19 khiến nhiều người gặp khó khăn khi di chuyển giữa các nước hơn. Mọi người muốn thị thực của mình có nhiều quyền lực hơn. Nhiều quốc gia thắt chặt bộ Luật Di trú của họ hơn. Hoạt động thẩm tra hồ sơ được tiến hành kỹ lưỡng, các nguồn tài chính được thẩm định kỹ càng hơn. Đây là chuyên môn của các hãng luật, là lợi thế của chúng tôi so với các công ty tư vấn. Trong Covid-19, doanh thu của chúng tôi không sụt giảm, mà đi ngang ở mức ổn định.

- Có vẻ thay vì e ngại, ông thực sự thích có nhiều đối thủ "ngang cơ" hơn?

- Hiện nay, Harvey Law Group gần như là tay chơi "một mình một sân" tại Việt Nam. Chúng tôi có kinh nghiệm bản địa dày dặn hơn các công ty luật nước ngoài, có mạng lưới chi nhánh toàn cầu rộng hơn các công ty luật nội địa. Các công ty tư vấn không đủ năng lực và chuyên môn trực tiếp thực hiện thủ tục cho khách hàng như chúng tôi.

Tôi thích sự cạnh tranh. Có cạnh tranh, thì càng có động lực để nhân sự nỗ lực hơn. Khách hàng cũng sẽ được tiếp cận những dịch vụ tốt hơn.

Có một thực trạng là đang xuất hiện ngày càng nhiều các đơn vị tư vấn làm ăn thiếu tử tế, cho phép tôi được nói thẳng. Theo một khảo sát không chính thức, thời gian tồn tại trung bình của một công ty tư vấn di trú tại Việt Nam là 18 tháng, trong khi thời gian xử lý hồ sơ di trú có thể kéo dài tới 24 tháng. Do đó, nhiều khách hàng ký hợp đồng với các công ty tư vấn thiếu uy tín, thanh toán xong các chi phí và hơn một năm sau, công ty đó hoàn toàn biến mất.

Ông Jean-Francois Harvey trao đổi với các đối tác, khách hàng. Ảnh: Harvey Law Group

- Vậy khách hàng nên lưu ý gì khi lựa chọn giữa công ty tư vấn và công ty luật khi thực hiện di trú?

- Xét về Luật Di trú, luật pháp Việt Nam và luật pháp Mỹ tương đồng khi chỉ cấp phép cho luật sư và công ty luật thực hiện dịch vụ di trú. Các chương trình định cư theo diện doanh nhân hoặc chương trình quốc tịch... được xây dựng chặt chẽ trên cơ sở pháp luật hiện hành tại mỗi quốc gia. Do vậy, chỉ luật sư mới đủ chuyên môn và kinh nghiệm tư vấn cho khách hàng. Mỗi chương trình đều có quy trình nộp hồ sơ phức tạp, dù là chương trình EB-5 của Mỹ, Thị thực Khởi Nghiệp Canada (SUVC), hay định cư Anh Quốc diện đầu tư...

Thực tế, không ít lần các công chức cơ quan di trú mắc lỗi, gây đình trệ hồ sơ của khách. Khi đó, các công ty luật có thể kiện họ ra tòa. Có trường hợp Harvey Law Group đã kiện cơ quan chức năng ra toà và theo đuổi vụ kiện tới 8 năm, để đưa được khách di trú thành công. Còn các công ty tư vấn thì không có chuyên môn và năng lực làm như vậy.

Chúng tôi từng khắc phục cho nhiều trường hợp khách bị lừa bởi các công ty tư vấn giả mạo. Họ sẵn sàng dựng lên những câu chuyện sai sự thật để thực hiện thủ tục cho khách. Đến khi bị phát giác trong quá trình thẩm định, họ cuỗm tiền của khách và biến mất, để khách lại với hồ sơ bị chặn.

- Ông có đặt ra nguyên tắc riêng trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng không?

Chúng tôi đề cao tính trung thực, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Đến với Harvey Law Group, khách hàng chỉ được nghe điều họ cần nghe, không phải điều họ muốn nghe. Ví dụ, nhiều người cho rằng chỉ cần có nhiều tiền là có thể di trú tới bất cứ nước nào. Nhưng thực tế không như vậy.

Thông thường, chúng tôi sẽ tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Họ tìm kiếm điều gì? Một môi trường sống tốt hơn, những dự án kinh doanh màu mỡ hơn, hay hệ thống giáo dục tốt hơn cho con cái? Sau đó, chúng tôi sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư quốc gia điểm đến nào phù hợp nhất với mục tiêu của họ. Từ đó, hai bên sẽ cùng đào sâu phân tích. Quy trình hợp tác này tốn nhiều thời gian và công sức hơn cho chúng tôi, nhưng nó đảm bảo các quyết định cuối cùng sẽ là phù hợp nhất.

Nhiều lần, chúng tôi từ chối khách hàng vì tầm nhìn hai bên không trùng khớp.

Vượt trên một hợp đồng thương mại đơn thuần, tôi cho rằng một hồ sơ di trú được xử lý tốt sẽ xây dựng hy vọng và cuộc sống mới cho nhiều gia đình. Mỗi câu chuyện của khách hàng mang lại cho chúng tôi những giá trị và cảm xúc riêng. Chúng là yếu tố khiến tôi say mê làm việc mỗi ngày trong hơn 30 năm qua.

- Ở chiều ngược lại, ông đánh giá sao về xu hướng người nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư để được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam?

- Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hướng tới nở rộ. Nhiều chuỗi sản xuất đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, mang theo nhiều luồng nhu cầu về vật lực và nhân lực nước ngoài.

Nhiều nước khác phù hợp để làm việc, không phải để sống. Nhưng với Việt Nam, một khi họ đã đến đây, nếm thử ẩm thực địa phương, gặp gỡ người bản xứ, hòa mình vào nhịp sống thường ngày, họ thường muốn ở lại hẳn. Một khi họ có kế hoạch định cư lâu dài, họ sẽ muốn đầu tư nhiều tiền hơn vào các dự án tại Việt Nam.

Hỗ trợ nhiều cho xu hướng này, là các nỗ lực mạnh mẽ và nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam. Sau Covid-19, Chính phủ Việt Nam đang nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công cuộc thu hút chất xám nước ngoài vào đóng góp cho nền kinh tế. Nhiều quy định liên quan đang được nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi rõ rệt. Tôi đánh giá tốc độ thực thi của chính phủ Việt Nam đang vượt trên nhiều nước láng giềng về độ nhanh và sự quyết liệt.

Hoài Phong