Chiều 9/4 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chủ trì hội nghị chuyên đề với các chuyên gia kinh tế và doanh nhân. Theo SMM, họ đều là lãnh đạo công ty hàng đầu Trung Quốc về kinh tế, khoa học, vận chuyển, máy móc và hậu cần xuyên biên giới. Trẻ nhất là Peng Zhihui, 32 tuổi, đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của Zhiyuan Robotics, tên quốc tế là Agibot, chuyên sản xuất robot, trong đó có robot hình người. Agibot và Unitree Robotics là hai công ty nổi tiếng nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Peng Zhihui, người sáng lập AgiBot. Ảnh: Handout
Theo Tân Hoa Xã, Zhihui đại diện cho thế hệ mới gồm những người sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ nổi bật, được giới lãnh đạo Trung Quốc công nhận. Các sự kiện như vậy thường là sự chứng thực từ cấp cao nhất của chính phủ, mở đường cho việc tiếp cận nhiều nguồn lực hơn trong tương lai.
Trước đó, Liang Wenfeng của DeepSeek và Wang Xingxing của Unitree Robotics cũng đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhân tài robot trẻ tuổi
Zhihui sinh tại Cát An, tỉnh Giang Tây và học kỹ thuật y sinh tại Đại học Khoa học và Công nghệ điện tử Trung Quốc. Năm 2013, khi đang học năm thứ hai, anh bắt đầu tìm hiểu về khoa học máy tính và đăng ký tham gia cuộc thi thiết kế điện tử dành cho sinh viên toàn quốc. Anh đoạt giải nhất với hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh tự chế.
Từ đây, Zhihui nhận ra khả năng của mình và theo đuổi đam mê, tham gia nhiều cuộc thi tương tự trong và ngoài nước, giành hơn 40 giải thưởng. Đây là cách anh tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc cho dự án khởi nghiệp sau này.
Năm 2015, Zhihui và bạn cùng lớp thành lập công ty nhỏ về in 3D và nhanh chóng nhận khoản đầu tư 5 triệu nhân dân tệ (683.573 USD). Anh rời công ty sau khi tốt nghiệp đại học.
Trong thời gian học thạc sĩ, Zhihui bắt đầu nghiên cứu robot hai chân có thể tránh chướng ngại vật và di chuyển về phía mục tiêu. Sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt giải sáng tạo trong cuộc thi robot quốc tế WRO 2018.
Cùng năm, anh nộp đơn vào hãng điện thoại Oppo với vai trò kỹ sư thuật toán. Hai năm sau, anh nghỉ việc để tham gia dự án tuyển chọn nhân tài trẻ Huawei Genius Youth. Chương trình là sáng kiến của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi năm 2019, sau khi công ty bị Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại.
Genius Youth ưu tiên ứng viên có kết quả nghiên cứu thực tế và có tác động, từng chiến thắng trong các cuộc thi quốc tế hàng đầu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Chiến dịch tuyển dụng được hàng loạt tài năng trẻ, nổi bật là Zhihui. Anh sau đó tham gia nghiên cứu hệ thống xử lý trung tâm dữ liệu Shengteng, chuyên về trí tuệ nhân tạo. Theo SCMP, mức lương anh nhận được hàng năm là 2 triệu nhân dân tệ (287.000 USD).
Năm 2021, Zhihui gây sốt trên mạng xã hội Bilibili Trung Quốc khi đăng video dài 16 phút về cánh tay robot có tên Dummy lấy cảm hứng từ Iron Man. Video nhận 2,5 triệu lượt xem và 10.000 bình luận sau hơn một ngày. Dummy sử dụng bộ xử lý OpenHarmony và Shengteng Atlas AI của Huawei, có thể điều khiển từ xa qua hệ thống 5G của công ty. Quan trọng hơn, chi phí tạo ra cánh tay chỉ 10.000 nhân dân tệ (1.552 USD).
Một năm sau, Zhihui thông báo nghỉ việc để "bắt đầu mục tiêu mới và làm điều gì đó thử thách hơn". "Trong chiến tranh cần có chiến thuật, nhưng lòng dũng cảm là điều cơ bản nhất", anh viết trên mạng xã hội, dẫn câu nói của triết gia Trung Quốc cổ đại Mặc Tử để nói về việc chinh phục thử thách mới.
Startup robot hình người tỷ USD
Zhiyuan Robotics, tức Agibot, ra đời tháng 2/2023. Theo SMM, Zhihui thành lập công ty cùng một số người khác, nhưng có nguồn tin nói anh là nhà sáng lập duy nhất. Anh giữ vai trò giám đốc công nghệ, không phải CEO hay chủ tịch, nhưng lại đại diện cho Agibot trong các sự kiện lớn.
Agibot nhanh chóng gây chú ý khi được hàng loạt quỹ đầu tư như HongShan, Hillhouse Investment và BYD đổ tiền. Tháng 8/2023, công ty giới thiệu mẫu robot đầu tiên Raise A1 với chiều cao 1,75 mét, nặng 53 kg, có thể chạy, nhảy và đi bộ với tốc độ 7 km/h, có tính ứng dụng cao từ lắp ráp ôtô trong nhà máy cho đến dọn phòng hay làm bạn với con người.
Chỉ sau ba tháng, Agibot trở thành ngôi sao lớn về robot ở Trung Quốc. Công ty được định giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,36 tỷ USD).
Năm 2024, Agibot tung ra hàng loạt sản phẩm mới với ba dòng đại diện cho toàn bộ tham vọng của công ty: Yuanzheng - robot hình người đi bằng hai chân cho các công việc nặng; Lingxi - phiên bản nhỏ gọn hướng tới người dùng cuối; và Genie - robot có bánh xe, hai cánh tay cho môi trường công nghiệp hoặc phòng trưng bày.
Mẫu robot hình người đầu bảng của công ty là Yuanzheng A2, cao 175 cm, nặng 55 kg, trang bị cảm biến AI. A2 có thể xử lý văn bản, audio, dữ liệu hình ảnh và thực hiện công việc như xâu kim. Đầu năm nay, công ty giới thiệu Lingxi X2, robot hình người đa dụng và linh hoạt kết hợp AI cao cấp.
Theo Rivista, tính đến 15/12/2024, Agibot sản xuất 962 robot, con số được đánh giá ấn tượng. Còn theo Interesting Engineering, công ty của Zhihui dự kiến sản xuất từ 3.000 đến 5.000 robot năm nay, mục tiêu sản lượng ngang robot Optimus của tỷ phú Elon Musk.
Ngoài phần cứng, Agibot cũng chú trọng phần mềm. Hồi tháng 3, công ty ra mắt Genie Operator-1 (GO-1), mô hình AI xử lý hình ảnh và dữ liệu video tăng cường khả năng của robot trong việc diễn giải hành động của con người và thực hiện công việc. Trong các thử nghiệm thực tế, GO-1 nâng tốc độ hoàn thành nhiệm vụ từ 46% lên 75%, chứng minh hiệu quả trong hoạt động như rót và phục vụ nước.
Căn cứ đào tạo robot hình người của Agibot. Video: ShanghaiEye
Agibot cũng xây dựng Trung tâm Thu thập dữ liệu robot Zhiyuan rộng 2.000 mét vuông tại Thung lũng robot Zhangjiang ở Thượng Hải, bước đầu đào tạo hơn 100 robot với mục tiêu cho ra đời các cỗ máy hoạt động như con người trong thế giới thực.
"Sự xúc tiến về công nghệ và việc gặp gỡ các gương mặt công nghệ trẻ đang cho thấy Trung Quốc hướng đến mục tiêu tự chủ với các yếu tố: trẻ, có tầm nhìn, kỷ luật, đoàn kết", trang Rivista bình luận. "Không chỉ là doanh nhân, những người như Zhihui còn là biểu tượng để khẳng định rằng trí tuệ nhân tạo không phải là đặc quyền hay độc quyền của Thung lũng Silicon".
Bảo Lâm tổng hợp
- 'Căn cứ' đào tạo robot hình người lớn nhất thế giới
- Cuộc đua robot hình người Mỹ - Trung sang giai đoạn mới
- Chi 1.400 USD thuê robot hình người làm việc nhà
- Robot hình người đầu tiên trên thế giới có thể 'bật tôm'
- Sự khác biệt giữa robot hình người Mỹ và Trung Quốc