Qua xem xét hồ sơ công khai và lời khai tại các phiên tòa, Washington Post hôm 4/12 cho rằng Sinovac Biotech vươn lên hàng đầu trong ngành vaccine của Trung Quốc với sự trợ giúp của các dự án ưu tiên từ Bắc Kinh, quan chức cơ quan quản lý và các thương vụ mua bán.
Trong lời khai trước tòa năm 2016, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Sinovac là Doãn Vệ Đông thừa nhận đã đưa hơn 83.000 USD hối lộ từ năm 2002 đến năm 2011 cho quan chức giám sát việc đánh giá vaccine Yin Hongzhang và vợ ông ta. Yin Hongzhang thú nhận sau khi nhận tiền, ông ta đã làm nhanh các chứng nhận vaccine của Sinovac.
Doãn Vệ Đông nói rằng chính Yin Hongzhang đã yêu cầu đưa tiền và ông không thể từ chối.
Những năm đó tương ứng với thời kỳ bùng nổ của Sinovac, khi công ty công nghệ sinh học ra đời năm 2001 được quan chức Bắc Kinh lựa chọn để dẫn đầu việc phát triển các loại vaccine SARS, cúm gia cầm và cúm lợn.
Yin Hongzhang bị kết án 10 năm tù vào năm 2017 vì tội nhận hối lộ từ Sinovac và 7 công ty khác. Doãn Vệ Đông, hiện 56 tuổi, không bị buộc tội và tiếp tục giám sát đợt tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac trong năm nay.
Đối với Sinovac, đó không phải lần đưa hối lộ duy nhất. Ít nhất 20 quan chức chính phủ và quản lý bệnh viện trên 5 tỉnh đã thừa nhận trước tòa hành vi nhận hối lộ của nhân viên Sinovac từ năm 2008 đến năm 2016.
Sinovac cho biết công ty mở cuộc điều tra nội bộ vào năm 2017 về vấn đề hối lộ, song đến nay chưa công bố kết quả điều tra.
Trong báo cáo thường niên mới nhất được công bố vào tháng 4, Sinovac nói rằng Doãn Vệ Đông "không bị truy tố về bất kỳ hành vi phạm tội hoặc hành vi không đúng đắn nào và ông hợp tác với viện kiểm sát với tư cách nhân chứng. Theo Washington Post, giới chức Trung Quốc không khởi động bất kỳ thủ tục tố tụng pháp lý hay thẩm vấn Doãn Vệ Đông.
Phản ứng trước thông tin trên Washington Post, một phát ngôn viên của Sinovac cho biết pháp luật đã xử lý các vụ hối lộ một cách thích đáng. Theo người phát ngôn này, năng lực làm việc của CEO không bị ảnh hưởng, song từ chối để Doãn Vệ Đông trả lời phỏng vấn.
Tham nhũng trong ngành dược phẩm Trung Quốc là vấn nạn kéo dài. Dali Yang, nhà khoa học chính trị của Đại học Chicago, cho biết việc Trung Quốc chuyển từ phân quyền phê duyệt thuốc những năm 1990 sang đánh giá tập trung về trung ương vào những năm 2000 đã tạo ra cơ hội cho việc hối lộ.
Tuy nhiên, tham nhũng không còn tràn lan như trước sau những lần xử lý mạnh tay các bê bối về an toàn dược phẩm, Yang nói. Năm 2007, Trung Quốc tử hình Zheng Xiaoyu, cựu lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn vào năm 2012.
Sinovac là một trong hai công ty tiên phong về vaccine Covid-19 của Trung Quốc, với thử nghiệm lâm sàng đang ở giai đoạn cuối như vaccine của Moderna và Pfizer. Trong nước, vaccine của Sinovac đứng thứ hai, chỉ sau vaccine của Sinopharm do nhà nước sở hữu.
Sinovac đang tìm cách cung cấp vaccine Covid-19 của họ là Coronavac cho các quốc gia đang phát triển, từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ tới Indonesia và có thể sẽ được phê duyệt tại các thị trường này. Quan chức ở Brazil và Indonesia, những quốc gia đông dân nhất ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á, cho biết Coronavac có thể được phê duyệt trong những tuần tới. Tại Brazil, Thống đốc Sao Paulo Joao Doria gọi đây là loại vaccine an toàn nhất mà nước này thử nghiệm.
Sinovac vẫn chưa công bố dữ liệu về hiệu quả, khiến giới chuyên gia hoài nghi liệu vaccine của họ có thể bảo vệ người dùng thành công như vaccine của Moderna và Pfizer, vốn có hiệu quả hơn 90% trong các phân tích sơ bộ.
Sinovac không dính líu đến các bê bối về an toàn và không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt của hãng này bị lỗi. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế nói rằng việc giám sát thêm các tuyên bố của Sinovac là có cơ sở.
Arthur Caplan, giám đốc bộ phận y đức tại Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York, cho biết: "Việc công ty có tiền sử đưa hối lộ tạo ra cái bóng nghi hoặc về các tuyên bố dữ liệu chưa được công bố. Ngay cả khi đang xảy ra bệnh dịch, một công ty có tiền sử đáng ngờ về mặt đạo đức cũng phải được xem xét hết sức thận trọng".
Huyền Lê (Theo Washington Post)