Sáng 2/10, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, buổi làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 32 (ngày 6/10) sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội mới. Buổi họp này để thử vận hành hệ thống phục vụ công việc trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8 vào trung tuần tháng 10.
Trước đó Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với Văn phòng Quốc hội sử dụng công trình ngay từ đầu tháng 10. Các đơn vị cam kết bảo đảm tiến độ hoàn thành của toàn bộ công trình trước khi chính thức vận hành.
Nhà Quốc hội được đánh giá là công trình quy mô, phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt Nam xây dựng, với hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, đường dây điện dài 1.000 km. Nhiều trang thiết bị hiện đại, được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy.
Công trình Nhà Quốc hội thường xuyên được lãnh đạo Chính phủ đến kiểm tra, Bộ Xây dựng bố trí một Thứ trưởng trực tiếp giám sát đôn đốc tại công trường hàng tuần để đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Khởi công vào tháng 10/2009, tòa nhà Quốc hội mới cao 39 m, có kiến trúc hình vuông, phòng họp hình tròn ở giữa, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn trên 60.000 m2. Tòa nhà còn có khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ôtô với diện tích trên 17.000 m2; đường hầm nối Nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60 m, có 2 phần đường dành cho người đi bộ và dành cho ôtô. Nhà Quốc hội mới được xây dựng trên nền Nhà Quốc hội cũ tại khu vực trung tâm chính trị, lịch sử, văn hóa của đất nước. Công trình này sẽ kết hợp hài hòa với phương án bảo tồn khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc hiện đại song vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. |
Xuân Hoa