Theo quan niệm xưa, những mảnh đất "thóp hậu" - với mặt tiền lớn và thu hẹp về sau - vốn được xem là có phong thủy xấu. Nhưng anh Nguyễn Mạnh Dũng lại tìm thấy cơ hội sở hữu một không gian sống tốt khi quyết định mua khu đất tại quận Long Biên (Hà Nội), có tới 3 nhược điểm: Hình dạng ngũ giác thay vì tứ giác như thông thường; thóp hậu với mặt tiền rộng 4,5 m, ở giữa 5,5 m, riêng phần đuôi chỉ còn 3,5 m; và một phần bị đường đâm xéo qua.
"Tôi quyết tâm đầu tư vì nhận thấy mảnh đất có chiều rộng mặt thoáng gần 8 m, đồng thời được chào bán với giá rẻ hơn khoảng 15% so với thị trường", anh Dũng chia sẻ.
Trên diện tích 44 m2, anh đưa ra phương án chia thửa đất thành 2 phần. Trong đó, phần đất vuông dành cho các không gian chức năng cơ bản, còn chỗ đất méo để bố trí tiểu cảnh, khoảng thông tầng cao 6 m và cầu thang hình xoắn ốc. Để khắc phục phần diện tích bị đường giao thông đâm xéo qua ở tầng một, anh Dũng bố trí khu vực để xe. Nhờ vậy, dù khu đất có hình ngũ giác nhưng phòng khách và bếp vẫn vuông vắn.
Nhằm khai thác triệt để mặt thoáng rộng và hướng Đông Nam, các không gian mở được thiết kế đan xen, tận dụng ánh sáng tự nhiên và không khí mát mẻ lưu thông vào trong nhà. Công năng sử dụng được phân bổ như sau: tầng 1-2 dành cho không gian sử dụng chung gồm phòng khách, bếp; tầng 3-4 là 3 phòng ngủ kèm khu vệ sinh riêng; tầng 5 gồm phòng thờ và khu vực sinh hoạt chung ngoài trời.
Anh Dũng cho hay, tuy ngôi nhà có diện tích không lớn nhưng nhờ thiết kế hợp lý nên vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các thành viên trong gia đình. Người lớn có nơi sinh hoạt, góc làm việc rộng rãi, còn trẻ nhỏ có không gian vui chơi.
"Thay vì quan tâm đến hình dáng khu đất, tôi ưu tiên vị trí thuận tiện, giá cả vừa túi tiền và các giải pháp nâng cao chất lượng sống của gia đình hơn. Ngoài ra, với cá nhân tôi thì một thửa đất không hoàn hảo luôn có những nét độc đáo riêng", anh bày tỏ.
Hình ảnh các không gian chức năng của ngôi nhà:
Theo KTS Tạ Vĩnh Phúc - ROOM+ Design & Build, xây nhà trên đất méo là trường hợp rất phổ biến hiện nay, chiếm khoảng 50% công trình mà ông từng thực hiện. Trong đó, thường gặp nhất là đất có ít nhất một cạnh xéo hoặc giật cấp.
Ông Phúc lý giải, sở dĩ đất méo, "thóp hậu" thường kén người mua để ở, xuất phát từ quan niệm cho rằng vị trí này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hậu vận hay việc làm ăn của gia chủ. Bên cạnh đó, vì không có thiết kế nên nhà xây từ ngày xưa thường thiếu ánh sáng và thông thoáng, dẫn đến khu vực "thóp hậu" rất tối, bức bí và hầu như không sử dụng được.
KTS Tạ Vĩnh Phúc cho rằng, nhờ tiến bộ của ngành kiến trúc, nội thất, khoa học kỹ thuật, tư duy của chủ nhà cũng được cải thiện, nên các ngôi nhà nằm trên đất "thóp hậu" vẫn có thể đem lại không gian sống và kinh doanh tốt. Thực tế, có nhiều người tỏ ra lo ngại việc sống trong ngôi nhà dạng này và tránh mua. Nhưng ở phía ngược lại, vẫn có nhiều gia chủ sẵn sàng đầu tư vì giá cả phải chăng, sau đó làm việc với kiến trúc sư có kinh nghiệm để cải tạo hoặc xây mới.
"Nhiều gia đình vẫn sống thoải mái trong ngôi nhà như vậy mà không ngại ảnh hưởng đến việc làm ăn hay hậu vận", ông Phúc cho hay.
Ông Phúc nhấn mạnh, những ngôi nhà trên khu đất méo nếu được thiết kế khéo thì vẫn đẹp và đủ tiện nghi. Thông thường, kiến trúc sư sẽ đưa giải pháp tạo các không gian mở với sân vườn, giếng trời và cây xanh để tránh cảm giác chật chội ở đuôi nhà, đi kèm với việc bố trí các khu vực phụ như phòng tắm, kho...
"Gia chủ có thể cân nhắc một vài phương án như: cắt chừa phần thóp hậu làm sân, thiết kế nhà giật cấp dần để phần đầu nhà vẫn nhỏ hơn phần đuôi; biến đổi chiều dày tường một bên để nhà vuông vắn lại; hoặc chia nhà làm 2 khối với khoảng sân ở giữa", KTS Tạ Vĩnh Phúc nói.
Thu Hương