Dự hội thảo toàn quốc với chủ đề: Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo, ngày 12/12, giáo sư Phong Lê trình bày tham luận khái quát thực trạng hiện nay của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Giáo sư nhận định thành tựu của hoạt động này xuất hiện nhiều ở giai đoạn 1930-1945. Theo ông, đây là thời kỳ hoàn thiện diện mạo hiện đại của đời sống văn học. Một số tác giả như Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Chính đã có các công trình phê bình giá trị.
Theo nghiên cứu của giáo sư Phong Lê, hiện nay ''phê bình chuyên nghiệp là ai, và ở đâu thì cũng rất khó tìm'', ngoài một số người ở khoa Văn, khoa Văn hóa, Khoa học xã hội ở các trường. Những người có lịch sử viết gắn với giai đoạn trước đều đã cao tuổi, không còn sung sức.
Ông chỉ ra từ nửa sau thập niên 1990, sự phát triển của báo chí, với đặc thù về dung lượng, nội dung chủ yếu đề cập những vấn đề chính trị, xã hội nhiều hơn đời sống văn chương, khiến việc bàn thảo về một tác phẩm hay bỗng trở nên rất hiếm, kể cả trên các báo của hội nghề nghiệp. Giáo sư đánh giá cao việc tổ chức viết, chấm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ ở các trường, nhưng các tác phẩm sau đó không được phổ biến rộng rãi.
''Thực trạng phê bình văn học hiện nay gắn bó trực tiếp với hoạt động báo chí, còn phê bình trong đời sống nghiên cứu và giảng dạy ở các viện và học đường thì ít có tác động đến công chúng", ông nói.
Trong phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nhận thấy những người làm công tác này ngày càng thưa vắng do không được đầu tư thỏa đáng, đầu ra cho các công trình còn khó khăn, khó tìm người trao truyền. Mặt khác, nhạc sĩ chỉ ra đội ngũ công tác đang thiếu tính phản biện, đôi khi là những phát ngôn phớt qua chứ không tranh biện sôi nổi để tìm ra tiếng nói chung, hóa giải mọi tranh cãi.
Đối với sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ cho biết công tác lý luận, phê bình dường như đang đứng ngoài cuộc. Bởi có rất ít bài viết đánh giá chất lượng các liên hoan, cuộc thi sân khấu, ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, công tác tổ chức, thành phần ban giám khảo còn hạn chế. Những người có kinh nghiệm đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ không sống được với nghề, khiến đội ngũ nhà phê bình sân khấu các năm qua trở nên "mỏng". Một bộ phận có tâm lý thương cảm những đơn vị nghệ thuật, dẫn tới loạt bài viết theo tỷ lệ "bảy khen, ba góp ý".
Nhiều đại biểu đưa ra giải pháp cải thiện những hạn chế như bổ sung chính sách hỗ trợ các tác giả, phổ biến tác phẩm. Nghệ sĩ Lê Tiến Thọ đề xuất cần xác định rõ vai trò của việc thẩm bình trong đời sống văn học nghệ thuật, có đề án quy hoạch và phát triển rõ ràng. Từ đó có cơ sở đào tạo một đội ngũ đủ trình độ, năng lực. Ngoài ra Nhà nước nên có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút cho những bài viết, tác phẩm chất lượng. Xét giải thưởng hàng năm phải được đánh giá thích đáng.
Đội ngũ làm công tác đánh giá, bình luận cần nâng cao nghiệp vụ, lắng nghe cộng đồng, tích cực hòa nhập thực tiễn - là ý kiến của Tiến sĩ Phan Đăng Sơn. Theo bà Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, hiện nay văn học nghệ thuật phát triển theo hướng đa phương tiện nên hoạt động phê bình cũng cần tiến tới mở rộng, nhiều góc nhìn, cách tiếp cận. Qua đó truyền bá giá trị, quan điểm định hướng giá trị thẩm mỹ đến công chúng.
Hội thảo nhận được 103 tham luận, trong đó có 13 tác phẩm được trình bày trực tiếp tại sự kiện. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn.
Phương Linh