Cảnh trong vở Hồn Xuân Thu của sân khấu Thế giới trẻ. |
- Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, dư luận hân hoan trước hàng loạt sáng tạo thể nghiệm của sân khấu kịch nói, còn hiện nay thì không. Theo ông, vì sao xảy ra tình trạng hụt hẫng như vậy?
- Lúc đó cơ chế thị trường chưa mở, cái chuẩn (tức hệ thống giá trị) tương đối gặp nhau. Thế nhưng từ khi mở cửa thị trường, chuẩn nghệ thuật - chuyên môn và chuẩn thị trường bị lệch pha khiến nhiều người trong giới sáng tác - biểu diễn đứng chênh vênh giữa hai chuẩn...
- Vì thế mà ngay sân khấu 5B của Hội Sân khấu cũng phải thêm mảng miếng hài hước cho dù phải làm xộc xệch đến tính cấu trúc của một vở “kịch cho ra kịch”?
- Tôi nghĩ trước mắt các sân khấu hãy cứ làm cho cái đang có tốt hơn, tiếng cười sạch hơn. Hội Sân khấu cũng dự tính khôi phục một số vở giá trị nghệ thuật cao trước đây, nhưng chẳng có mấy diễn viên tên tuổi chịu bỏ sức để tập vở! Bởi anh em ngại tốn sức mà tiền thu vào lại không thể bằng những vở cười cợt với thời gian dàn tập rất nhanh.
- Giải pháp tháo gỡ tình trạng trên là gì, thưa ông?
- Những năm 1990, sân khấu kịch TP HCM đã từng đi đầu trong phong trào thể nghiệm. Hiện nay đời sống sân khấu TP HCM cũng vẫn sôi động nhất nước. Người diễn viên là trung tâm của bộ môn sân khấu. Nếu diễn viên cảm thấy tự thân có nhu cầu sáng tạo, có nghĩa diễn viên chịu nghiên cứu kịch bản thấu đáo, chịu tìm hiểu vai diễn, nhân vật, lúc ấy sân khấu sẽ có sinh khí sáng tạo. Mặt khác, theo tôi, cần tái lập cho được không khí đồng sáng tạo - trong mỗi đơn vị sân khấu, trong giới nghệ sĩ với nhau... và sự đồng hành từ công luận.
(Theo Tuổi Trẻ)