Ông mắc ung thư nhiều năm trước, luôn giữ tinh thần chống chọi bệnh tật. Trước khi mất không lâu, ông vẫn đăng bài, cùng bạn bè bàn luận thơ ca trên Facebook.
Đặng Tiến nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam hiện đại, được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong bài viết trên Đặc san Khoa học và Phát triển số 4 hồi tháng 3, tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa nhận xét: "Đặng Tiến, trong toàn bộ bài viết, cho thấy rõ ý niệm của ông về hai điểm chính của ngôn ngữ: Nhạc điệu và hình ảnh. Ông tìm đến các nhà thơ trong một niềm đồng cảm, thanh tân và tươi mới của tâm hồn".
Trong Vũ trụ thơ - cuốn phê bình nổi tiếng của Đặng Tiến, ông viết về nhà thơ Tản Đà: "Nguồn thơ nào mà không mang ít nhiều nhan sắc của phôi pha, nếu bản chất của thơ không phải chính là di tích của phôi pha. Tập thơ nào hay mà không u ẩn một cuộc tiễn đưa, một lời tống biệt? Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai". Ở bài viết Văn Cao, Lá khát vọng, ông nhận xét: "Thơ trĩu nặng tâm sự và khát vọng thời đại, và đất nước, nhưng nhan đề sao mà nhẹ nhàng, một chữ ngắn: Lá".
Trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho biết khi đọc và có cơ hội bàn luận chuyện văn thơ với Đặng Tiến, anh biết thêm nhiều tác giả, có cách nhìn nhận, tiếp cận mới. Nhà báo viết: "Cách ông lý giải, đánh giá cả con người lẫn sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đều chứng tỏ ông hiểu rất sâu, rất riêng, rất khoan hòa nhưng quả quyết".
Đặng Tiến sinh năm 1940 tại làng An Trạch, Hòa Vang, Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông từng đi dạy tại THPT Yersin ở Đà Lạt. Từ năm 1966, ông sang Berne, Thụy Sĩ, làm việc trong ngành ngoại giao. Từ năm 1968, ông sang Pháp, làm giảng viên ngành văn học Việt Nam tại Đại học Paris 7. Từ đó đến nay, ông sống tại Orléans cùng vợ và các con.
Ông bắt đầu viết phê bình từ năm 1960, đăng trên các tạp chí như Mai, Văn, Tân văn. Ông từng xuất bản cuốn Vũ trụ thơ (1972), Vũ trụ thơ II (2008), Thơ - Thi pháp và chân dung (2009). Ông là bạn của nhiều văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tác giả Phạm Công Thiện, nhà thơ Hoài Khanh, nhà văn, dịch giả Bửu Ý, họa sĩ Trịnh Cung.
Hiểu Nhân