6 bản sao robot được Hiroshi Ishiguro tạo ra trong 18 năm qua. Robot mới nhất, Geminoid HI-6, sở hữu ngoại hình rất giống ông và có thể được điều khiển từ xa, Interesting Engineering hôm 27/10 đưa tin. Điều thú vị là nó có thể dễ dàng sao chép biểu cảm khuôn mặt của Ishiguro.
Geminoid HI-6 đang được trưng bày tại Đại học Osaka. Bản sao robot này không chỉ giảng dạy mà còn trả lời câu hỏi từ sinh viên. Ishiguro cho biết, robot tích hợp mô hình ngôn ngữ lớn cùng 10 cuốn sách và gần như mọi cuộc phỏng vấn truyền thông của ông.
"Tính năng chính của phiên bản này là trò chuyện. Ban đầu, tôi dùng robot để giảng dạy khi quá bận. Nhưng giờ đây, sau nhiều bài giảng, Geminoid HI-6 có thể trả lời câu hỏi từ người nghe", ông nói.
Da robot làm từ silicone, mang lại cảm giác như da người. Robot chưa có khả năng đi bộ, dù trong tương lai gần, nó được kỳ vọng sẽ hoạt động bằng cơ chế hai chân. Giọng của Geminoid HI-6 cũng không hoàn toàn giống Ishiguro mà nghe giống giọng một người đàn ông trưởng thành với âm điệu kỳ lạ.
Mục tiêu chính của Ishiguro là làm cho robot trông giống người nhất có thể. Ông cùng các đồng nghiệp đang theo đuổi một tương lai mà việc tương tác với robot hình người trở nên phổ biến. Trước đó, Ishiguro từng giới thiệu một robot lễ tân mang tên Erica, có thể điều khiển từ xa hoặc tự động tương tác với khách ghé thăm.
Robot có tổng cộng 53 bậc tự do - số lượng khớp của robot và phạm vi chuyển động mà nó thực hiện được. Nó có khả năng tái tạo nhiều hành vi của con người, chủ yếu là những động tác ở phần cơ thể trên và biểu cảm khuôn mặt. Nó thậm chí trả lời được những câu hỏi về sự hiện diện của con người, liệu con người có thể đến những nơi xa xôi không và robot có thể vượt qua con người thông qua các thử nghiệm hay không.
Với chiều cao 50 cm và chiều rộng 25 cm, robot trang bị 16 bộ phận truyền động khí nén và nguồn điện bên ngoài. Theo phòng thí nghiệm của Ishiguro, robot có đầu bằng nhựa và khung xương kim loại.
Ishiguro sử dụng các robot Geminoid để nghiên cứu về con người, hướng đến áp dụng những phương pháp từ kỹ thuật, khoa học nhận thức đến khoa học thần kinh để khám phá nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau. Ngoài ra, thông qua hệ thống điều khiển từ xa, ông cũng tìm hiểu về cách những người trò chuyện với robot và cả người điều khiển bị tác động.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)