Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến nay, Việt Nam hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội, khoảng 104.200 căn, tương đương 5,2 triệu m2 sàn. Con số này mới đạt khoảng 42% kế hoạch. Hiện 264 dự án, khoảng 219.000 căn, tổng diện tích hơn 10,5 triệu m2 sàn tiếp tục được triển khai.
Qua báo cáo từ dự án xây dựng chính sách tổng thể về nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng nhìn nhận, một trong những khó khăn khi thực hiện phát triển loại hình nhà ở này là một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức.
Cụ thể, nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển loại hình nhà ở xã hội.
Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp cũng không quan tâm, tích cực đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Cụ thể, trong giai đoạn thị trường bất động sản phát triển "nóng" vừa qua, các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế hầu như không tham gia phát triển nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp vì lãi suất vay vốn cao, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp... Các đối tượng nghèo hoặc có thu nhập thấp cũng không thể vay vốn ngân hàng để mua nhà vì số tiền chi trả cho nhà ở quá lớn so với mức thu nhập.
Một nguyên nhân khác khiến phân khúc này bị tắc nghẽn là thiếu nguồn vốn. Bộ Xây dựng cho hay, Ngân hàng Chính sách xã hội hiện được phân bổ 2.163 tỷ trong số 9.000 tỷ đồng, đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện đến năm 2020. Trong khi đó, 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.
Để thúc đẩy phát triển nhà cho người thu nhập thấp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành khác hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn. Bộ cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức công đoàn để thực hiện các thiết chế công đoàn.
Tổng Liên đoàn được đề nghị phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu; các địa phương thực hiện nghiêm quy định về bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hôi theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị xem xét bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng để cho vay, đặc biệt là nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để doanh nghiệp và người dân vay.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần bổ sung các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn để có cơ sở bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đức Minh