Theo Quyết định về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025, DIV và Nhà máy In tiền Quốc gia (NBPP), Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiếp tục duy trì sở hữu 100% vốn nhà nước
Các doanh nghiệp, tổ chức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đại diện chủ sở hữu nhà nước tiếp tục được duy trì sở hữu 100% trong giai đoạn 2022-2025 đều thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, có tính chất phục vụ mục tiêu chính sách công. Nhà máy In tiền Quốc gia (NBPP) là doanh nghiệp công ích, sản xuất hàng hóa đặc biệt. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước duy nhất được giao trực tiếp triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.
Từ năm 2016, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm đặc thù, khác biệt hoàn toàn với các loại hình bảo hiểm thương mại. Tại Việt Nam, Luật bảo hiểm tiền gửi quy định: bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm trong hạn mức khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi ở đây được hiểu là các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Trên thế giới, chính sách bảo hiểm tiền gửi thường được coi là một lĩnh vực chính sách công, trước hết là hướng tới bảo vệ người gửi tiền quy mô vừa và nhỏ - đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Bên cạnh đó, chính sách này cũng góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính.
Chính sách bảo hiểm tiền gửi còn góp phần xây dựng một thị trường minh bạch, cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau. Cơ quan giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính từ ngân sách và giảm tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ. Chính vì vậy, tại hầu hết quốc gia trên thế giới, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đều hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và trực thuộc Chính phủ.
Tại Việt Nam, hoạt động bảo hiểm tiền gửi không được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mà căn cứ trên luật chuyên ngành là Luật Bảo hiểm tiền gửi, được ban hành năm 2012 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với tên giao dịch quốc tế là Deposit Insurance of Vietnam (DIV) được thành lập ngày 9/11/1999 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000. Tổ chức này được giao làm đầu mối triển khai hoạt động bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, một ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức tài chính nhà nước đặc biệt này đã tích lũy và phát triển tổng quy mô nguồn vốn đạt gần 93.000 tỷ đồng, là nguồn lực tài chính vững mạnh để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Minh Huy