Thứ trưởng Đặng Hùng Võ: "Thuế đất và quỹ đất dự trữ là hai cánh tay điều tiết thị trường địa ốc" |
- Góp ý cho Luật Đất đai, bạn đọc VnExpress cho rằng công cụ thuế không thể cắt sốt đất nếu thị trường đất đai còn mất cân đối cung cầu. Ý kiến của ông thế nào?
- Hạn chế của chính sách đất đai lâu nay là nhà nước - tự xưng là đại diện cho toàn dân thực hiện quyền sở hữu đất đai - nhưng lại không nắm được một quỹ đất dự trữ dồi dào đủ điều tiết cung cầu của thị trường bất động sản. Đây là một nguyên nhân dẫn tới sự rối loạn thị trường đất đai hiện nay. Nó đẩy giá chuyển nhượng thực tế lên cao gấp hàng trăm lần giá trị sử dụng của đất. Điều này có thể thấy qua giá đất ở phố Hàng Đào, Hà Nội tới 45 cây vàng một mét vuông - một mức đầu tư ban đầu quá lớn không lợi nhuận kinh doanh nào có thể bù đắp được.
Ban soạn thảo Luật Đất đai đang xem xét đưa vào dự luật này một số nguyên tắc điều tiết thị trường bất động sản bằng thuế: đánh thuế sử dụng đất lũy tiến với đất ở để chống đầu cơ, thuế lũy tiến từng phần với thu nhập từ chuyển nhượng đất đai để điều tiết hoạt động kinh doanh địa ốc. Chi tiết sẽ được quy định trong 2 luật thuế do Bộ Tài chính soạn thảo. Nhưng đây là vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi ngay trong những nhà làm luật, bởi liên quan đến lượng đất ở khá lớn đang nằm trong tay giới đầu cơ. |
Yếu kém này, theo tôi, là hệ quả thực hiện chính sách quản lý trong Luật Đất đai 1993. Nói nhà nước là chủ sở hữu, nhưng thực chất nhà nước đã giao hết đất cho cá nhân, gia đình và tổ chức quản lý sử dụng. Nay muốn lấy lại để làm dự án hay bổ sung quỹ đất ở cho dân cư thì lại phải bỏ tiền ra đền bù giải tỏa. Nhà nước đã mất thế chủ động khi muốn điều tiết thị trường.
- Vậy làm thế nào để hình thành quỹ đất dự trữ?
- Chúng tôi đang xem xét ban hành cơ chế hoạt động của một loại doanh nghiệp nhà nước đặc biệt, do UBND cấp tỉnh thành lập, có chức năng phát triển quỹ đất. Giải pháp này đã được thử nghiệm thành công ở Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai, TP HCM. Sau khi chính quyền địa phương quy hoạch, các doanh nghiệp tung tiền ra đền bù, giải tỏa để có một quỹ đất sạch. Khi có dự án, họ dùng các nguyên tắc kinh tế cấp đất cho dự án. Làm vậy nhà đầu tư thoải mái mà nhà nước cũng giữ được thế chủ động bởi có quyền chi phối tuyệt đối vào doanh nghiệp kinh doanh quỹ đất.
- Theo dự thảo, một trong những cách để nhà nước điều tiết thị trường đất đai là quy hoạch, bổ sung đất xây dựng nhà ở. Hiện nay việc này được tiến hành thế nào?
- Mỗi thành phố đều có quy định riêng về lập dự án nhà chung cư, đất biệt thự để đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở. Như Hà Nội quy định 20% quỹ nhà chung cư là để phân phối (như chế độ bao cấp), 30% bán theo giá chỉ định của chính quyền với các đối tượng chính sách, còn lại doanh nghiệp kinh doanh nhà ở mới được bán theo giá thị trường.
Theo tôi như vậy là còn lẫn lộn giữa kinh doanh và công ích. Đã đến lúc Chính phủ phải quy định về vấn đề này, trong đó nêu rõ yêu cầu minh bạch trong chế độ nhà chung cư, giá bán, trường hợp nào được ưu đãi... Nên để doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh đúng theo quy luật giá của thị trường. Với dự án nào dành cho người có thu nhập thấp, diện chính sách thì nhà nước phải hỗ trợ, bỏ tiền ra đầu tư. Cũng phải làm rõ các tiêu chí thế nào là thu nhập thấp, chính sách thì hỗ trợ ra sao.
- Nhưng số dự án nhà ở như vậy rất ít so với nhu cầu nhà ở của xã hội. Có nhà kinh doanh bất động sản cho rằng các công ty kinh doanh nhà không muốn triển khai nhiều để giữ được giá đất cao đủ hấp dẫn?
- Đấy là hạn chế trong quản lý nhà nước với các công ty kinh doanh nhà. Nhưng Bộ Tài nguyên môi trường không thể với tay sang được, bởi đó là thẩm quyền của ngành xây dựng.
Nghĩa Nhân