Sáng 14/3, tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, PGS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam), cho rằng Nhà nước thu hồi đất vì mục đích công là lấy lợi ích của ít người để phục vụ lợi ích nhiều người.
"Những người có đất bị thu hồi đã hy sinh lợi ích cá nhân cho việc công, nên Nhà nước phải trả tiền xứng đáng cho họ. Không thể vì lợi ích công mà phủ nhận lợi ích tư", ông Thiên nói.
Theo ông, khi Nhà nước thu hồi đất thường xảy ra xung đột với người dân bởi tiền bồi thường theo giá hiện tại thấp, trong khi nhà đầu tư mua đất sẽ nhìn về giá tương lai. Vì vậy, giá đất phải được định hình trong tương lai chứ không phải của quá khứ hay hiện tại. Cơ quan soạn thảo cũng phải nghiên cứu quy định khuyến khích người dân bán đất cho nhà nước, tránh các xung đột do thu hồi đất gây ra.
PGS Nguyễn Thị Nga (Đại học Luật Hà Nội) dẫn Nghị quyết 18 Trung ương yêu cầu xây dựng tiêu chí Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, ban soạn thảo chưa thể chế hóa chủ trương này.
Dự thảo giải thích, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng, đô thị, giải quyết vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Bà Nga cho rằng rất khó phân biệt đâu là dự án vì lợi ích quốc gia cần Nhà nước thu hồi đất, đâu là dự án vì lợi nhuận doanh nghiệp cần mua đất theo cơ chế thỏa thuận dân sự. "Quy định không rõ ràng như dự thảo sẽ khó khả thi vì bất kỳ dự án nào vì mục đích kinh doanh đơn thuần cũng thỏa mãn các tiêu chí nêu trên", bà nói.
PGS Nga lo ngại với quy định này, doanh nghiệp sẽ tìm cách lập lờ giữa dự án kinh doanh đơn thuần với dự án vì lợi ích quốc gia để Nhà nước thu hồi đất bằng mệnh lệnh hành chính thay vì thỏa thuận.
PGS Phạm Hữu Nghị (nguyên Tổng biên tập tạp chí Nhà nước và Pháp luật) nói Nghị quyết 18 của Trung ương nêu rõ người dân bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa nêu các tiêu chí pháp lý để thực hiện chủ trương này. Việc liệt kê dự án theo dự thảo khó bao quát các vấn đề sẽ phát sinh trong thực tiễn.
"Tôi đi nhiều nơi, thấy người dân chưa hài lòng với quy định thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng. Quy định như dự thảo là chưa minh định rõ ràng, đề nghị nghiên cứu kỹ hơn", ông Nghị nêu quan điểm.
Trước đó thảo luận tại Quốc hội tháng 11/2022, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM) đề nghị Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Với dự án phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước quy định theo hướng thuận mua vừa bán giữa doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó ban Công tác đại biểu) cho rằng thiệt hại mà người dân gánh chịu khi bị thu hồi đất không chỉ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà còn vấn đề sinh kế. Cơ quan chức năng cần xem xét hỗ trợ thêm cho người dân và doanh nghiệp bị thu hồi đất ngoài bồi thường theo quy định.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022), chuẩn bị xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua ở kỳ họp cuối năm 2023.