Đó là ý kiến của độc giả Xứ Thanh khi biết được thông tin ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) thừa nhận đã tự tay đốt hai căn chòi lá làm trên cây cổ thụ giữa rừng sâu của hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang.
"Tôi đốt hai chòi lá này là do thấy trên truyền hình bảo tôi lấy người thân ra kinh doanh lấy tiền. Do vậy, tôi đốt hết để mọi người không làm phiền nữa", ông Lâm phân bua. Trong hai căn chòi có một cái là chỗ hai cha con ông Thanh ở 40 năm qua, chòi còn lại dùng dự trữ lương thực.
Sự việc trên đã khiến cộng đồng mạng tranh luận xôn xao với nhiều ý kiến chia sẻ trái chiều.
“Tức nước thì vỡ bờ”
Nhiều người bày tỏ cảm thông với hành động ông Lâm đã đốt chòi “tổ chim” của cha con người rừng. Các ý kiến cho rằng đó là hành động tất yếu “tức nước thì dẫn đến vỡ bờ”, cũng chỉ vì bị làm phiền bởi sự quan tâm quá mức của dư luận xã hội.
Facebooker Dang Chieu, nói: “Nếu tôi là ông Lâm, khi đọc được những lời phê bình không thương tiếc, chỉ trích về việc làm của ông là “hét giá”, là "trục lợi bất nhân" thì tôi cũng sẽ có những hành động như thế”. Còn Facebooker Trung, tâm sự: “Ông Lâm đưa cha con “người rừng” về với người thân là nguyện vọng chính đáng. Ông ấy đã làm rất tốt khi hợp tác với truyền thông. Sao mọi người lại phê bình chỉ trích ông chứ. Vì thế, ông Lâm bực mình đốt chòi "tổ chim" không có gì mà khó hiểu cả”.
“Đúng thế, sao mọi người lại có suy nghĩ nói ông Lâm lấy người thân ra làm kinh doanh? Sao các bạn lại có suy nghĩ theo kiểu bảo thủ và quy chụp như thế? Căn nhà trong rừng ấy là tài sản của hai cha con “người rừng”. Tất nhiên là họ không biết cách khai thác thì người thân khai thác để lo cho họ là việc hợp đạo lý và rất nên làm. Bây giờ, họ ốm đau, nghèo túng thì lấy tiền đâu để lo cho họ đây”, độc giả Chu Van, chia sẻ.
Một hành động nông nổi
Trái với luồng quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động nóng vội và mang tính cá nhân của ông Lâm.
“Tôi nghĩ việc làm của ông Lâm đốt căn chòi này là hoàn toàn sai. Ông không nên tự ý đốt căn chòi mà “người rừng” dựng lên, dù có bị làm phiền hay gặp một vấn đề bức bách gì xảy ra thì ông Lâm cũng phải báo với chính quyền và xin hỗ trợ chứ không được hành động tự ý như thế” độc giả Nguyễn Thị Hải , nói.
“Đúng vậy, ông Lâm không thể lấy lý do bị phiền mà đốt căn chòi được. Nếu không muốn, ông chỉ cần trả lời không dẫn đi là được, không trả lời phỏng vấn nữa là xong, ai dắt đi cũng được. Cớ sao ông lại đốt tài sản của người khác”, bạn đọc Trung-Đà Nẵng, chia sẻ.
Cũng theo luồng quan điểm này, độc giả Tâm,bức xúc: “Thật không thể hiểu nổi, nhiều người lại đồng tình với việc đốt chòi của hai cha con người rừng. Nhà của người ta mà lại lấy lý do có nhiều người làm phiền để đốt. Nói thế là nhà của mấy người tôi cũng có thể đến đốt sao? Dù là cái chòi lá nhưng đó cũng là công sức 40 năm của người ta xây dựng lên mà”.
‘Tiếc cho một di sản biểu tượng cho ý chí sinh tồn”
Bên cạnh các luồng quan điểm trên, nhiều độc giả bày tỏ sự nuối tiếc về hành động đốt căn chòi của ông Lâm đã vô tình làm mất đi một di sản thể hiện biểu tượng ý chí sinh tồn của loài người.
Độc giả Phạm Vĩnh nói: “Thật đáng tiếc. Đây là tài sản vô giá và rất có ý nghĩa lịch sử. Vì căn chòi là một bằng chứng sống động về nỗ lựcsống, rất nên được bảo tồn”.
“Đúng vậy, căn chòi rất có ý nghĩa về mặt lịch sử. Việc bảo vệ hai ngôi chòi cũng sẽ có lợi cho địa phương rất nhiều. Vì sau này có thể nó sẽ trở thành địa điểm du lịch thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến xem. Đốt bỏ đi thật là lãng phí, vì đây là một dạng tài sản rất đặc biệt, rất đáng quý. Nó cũng mang dấu ấn của lịch sử. Lẽ ra cơ quan chức năng đã phải có trách nhiệm và biện pháp bảo quản tài sản này mới đúng”, bạn đọc Huyền Anh, bày tỏ.
Còn độc giả Đinh Tài, nuối tiếc: “Một tài sản có giá trị về lịch sử, du lịch và dân tộc học bây giờ đã trở thành tro bụi. Một biểu tượng của sự sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt của loài người, được nhiều người trong và ngoài nước quan tâm giờ đã không còn”.
Xoay quanh các vấn đề trên độc giả Duy Tuấn, ví von: "Vậy là "ngôi nhà hạnh phúc" đã tan thành mây khói. Giống như trong chuyện cổ tích cô Tấm đã bị xé mất vỏ quả thị nên không còn chỗ để trốn, "người rừng" có lẽ cũng vậy, đành từ bỏ rừng xanh để ở hắn với "thế giới hiện đại". Chẳng biết chuyện này có nên vui hay buồn nữa".
>> Xem thêm: Facebook xôn xao vụ thăm nhà 'người rừng' bị đòi 4 triệu
Điệp Lê tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.