Bộ Ngoại giao cho biết quan chức có thể tiêm vaccine do hãng dược Sinopharm phát triển. Theo báo cáo, tỷ lệ hiệu quả của sản phẩm là 79%. Vaccine được chấp thuận sử dụng đại trà trong nước hồi tháng 7. Một số quan chức cấp cao và nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiêm chủng. Vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở 10 quốc gia và được cấp phép lưu hành ở một số nước, song đến nay nhà phát triển vẫn chưa công bố kết quả chi tiết các thử nghiệm đó.
Lời đề nghị nhận được phản ứng trái ngược nhau giữa các nhà ngoại giao. Họ lo ngại tiêm chủng có thể khiến việc đi lại trong tương lai phức tạp hơn.
Một đặc phái viên châu Âu cho biết đây là tin tốt lành cho những người làm việc tại nước đã hoặc chưa phê duyệt vaccine. "Chúng tôi vẫn do dự bởi muốn sử dụng loại vaccine đã được chấp thuận ở quê nhà hơn", nhà ngoại giao cho biết, đề cập đến sản phẩm của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford.
Hai trong số ba vaccine này được đưa vào thỏa thuận cấp phép và nhập khẩu ở Trung Quốc, song đến nay chưa loại nào có được cái gật đầu từ chính quyền đại lục.
"Di chuyển về quê hương để tiêm vaccine rồi quay lại Trung Quốc quá phức tạp. Kháng thể do tiêm chủng sẽ gây khó khăn trong việc nhập cảnh vì chúng tôi phải làm xét nghiệm nhanh", nhà ngoại giao châu Âu cho biết. Nếu tiêm chủng thời gian ngắn trước khi xét nghiệm, kit thử sẽ cho ra kết quả dương tính.
Bộ Ngoại giao nhận định giải quyết vấn đề phát sinh kiểu này thường rất phức tạp. Đất nước đang nỗ lực tạo điều kiện để người đã tiêm vaccine được nhập cảnh thuận lợi bằng cách đưa ra những yêu cầu khác. Trước đó, từng có trường hợp hành khách đã chủng ngừa bị từ chối nhập cảnh dù xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận tiêm phòng.
Một số đại sứ quán đang đàm phán với Bắc Kinh nhằm làm rõ các thủ tục cho phép nhà ngoại giao bay về nước để tiêm phòng và tái nhập cảnh Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao châu Á cho biết ông rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của chính phủ và sẽ chờ hướng dẫn từ quê nhà trước khi đưa ra quyết định.
"Một trong những mối bận tâm là tôi có nên sử dụng loại vaccine chưa phê duyệt ở nước sở tại hay không. Chúng tôi vẫn chưa biết liệu sản phẩm như vậy có được công nhận trong trường hợp các nước ban hành chính sách ‘hộ chiếu vaccine’ trong tương lai", ông nói.
Nhà ngoại giao khác cho rằng Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề bằng cách bật đèn xanh cho một loại vaccine đã được phê duyệt ở nơi khác trên thế giới. Công ty Fosun, chịu trách nhiệm thương mại hóa vaccine Pfizer-BioNTech, đã liên hệ với một số đại sứ quán về việc tiêm chủng cho các đặc phát viên và nhân viên nước ngoài, song không thành công vì Trung Quốc chưa chính thức chấp thuận sản phẩm.
Thục Linh (Theo SCMP)