Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói về đóng góp của nhà nghiên cứu: "Vốn kiến thức sâu rộng, tư duy logic đầy khám phá, cách nhìn luôn mới mẻ và thái độ làm việc khoa học đã làm nên cốt cách học giả của tiến sĩ Phan Hồng Giang. Những bài viết và những công trình nghiên cứu của ông vừa mang tính kinh viện, vừa mang tính đương đại và đầy dự báo".
Ông Phan Hồng Giang là con thứ của Hoài Thanh - người được mệnh danh là "nhà phê bình số một" trên văn đàn Việt Nam thế kỷ 20. Năm 2019, trong một bài phỏng vấn, ông từng nói luôn ghi nhớ lời cha dạy suốt sự nghiệp: "Sống trên đời, quan trọng nhất là tự mình đánh giá chính xác mình, đặc biệt là trong văn chương. Bởi nếu đánh giá thiếu chính xác thì dễ dẫn đến ngộ nhận và nếu ngộ nhận về tài năng văn chương của mình thì sẽ thất bại. Hoài Thanh bảo đấy là bi kịch của đa số người viết văn vì có vẻ đa số người viết văn đều tưởng mình là Lev Tolstoy cả".
Ông tên thật là Nguyễn Đức Hân, sinh năm 1941 ở Nghệ An. Ông từng học tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó là sinh viên khoa văn, Đại học Tổng hợp Moskva (Nga). Ông có thời gian công tác ở nhiều cơ quan như Trường Viết văn Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Thế giới, giữ chức Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông có công dịch nhiều tác phẩm văn học Nga kinh điển sang tiếng Việt như Truyện ngắn Chekhov, Đaghextan của tôi (Rasul Gamzatov), Cánh buồm đỏ thắm (Aleksandr Grin), Nàng Lika (Ivan Alekseyevich Bunin). Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các cuốn: Ghi chép về tác giả và tác phẩm, Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật.
Hà Thu