Yumi Yamamoto, giám đốc nghiên cứu của LongeviQuest, một tổ chức xác nhận tuổi của những người già nhất thế giới và thu thập thông tin về họ, cho hay tổ chức năm nay đã xác minh 4 người siêu trường thọ sống trên 110 tuổi, theo bài đăng ngày 5/12 của Business Insider. Trong số này có cụ Fusa Tatsumi, người đã tổ chức sinh nhật lần thứ 116 vào mùa xuân và là người già nhất Nhật Bản.
LongeviQuest đã xác minh 269 người trên 110 tuổi ở Nhật Bản, trong đó có nhiều người sống ở Okinawa, một trong những khu vực được gọi là Vùng Xanh, nơi lượng người sống trên 100 tuổi cao bất thường.
Giống như những Vùng Xanh khác, người trường thọ ở Nhật Bản có xu hướng không ăn nhiều thịt và dành nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng họ có những thói quen khác cụ thể hơn một số quốc gia, theo Yamamoto.
"Người Nhật có câu chỉ ăn no 80%, hãy chừa bụng tới cuối bữa ăn", Yamamoto nói. Cô là chắt của cụ bà Shigeyo Nakachi, từng là người lớn tuổi thứ hai ở Nhật Bản lúc qua đời năm 2021, thọ 115 tuổi.
Theo các nghiên cứu trên động vật, thói quen này giúp người Nhật ý thức ăn uống, hạn chế calo, có tác dụng giảm các bệnh viêm nhiễm và có lợi cho tuổi thọ.
Lượng calo trung bình mỗi ngày cần nạp của một người ở Vùng xanh Okinawa chỉ khoảng 1.900, thấp hơn mức 2.000 calo mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị.
Một trong những bài học lớn nhất mà Yamamoto học được từ trò chuyện với những người trường thọ là "đừng làm gì quá mức, hãy làm mọi việc một cách có chừng mực".
Kane Tanaka, người Nhật Bản thọ nhất trong lịch sử, sống đến 119 tuổi và rất thích Coca-Cola nhưng chỉ uống một chai mỗi ngày.
"Cụ ấy không nghiện, cũng không uống quá nhiều. Đây là điều phổ biến ở Nhật Bản. Người Nhật ăn uống cân bằng và không ăn uống quá mức", Yamamoto nói. "Điều đó không chỉ áp dụng cho thực phẩm mà còn cả thói quen sinh hoạt như thức đêm".
Các chuyên gia đều nhận định ăn vặt có chừng mực có thể giúp việc ăn uống lành mạnh trở bền vững hơn. Phương pháp này được gọi là quy tắc 80/20 (80% thời gian ăn uống lành mạnh và linh hoạt hơn trong 20% còn lại).
Yamamoto cho hay ở Nhật Bản, người ta hay tập thể dục theo đài. Từ năm 1928, một chương trình phát thanh đã hướng dẫn người nghe các bài tập thể dục 5 phút mỗi ngày. Yamamoto cố gắng tập thể dục theo đài mỗi sáng giống những người trường thọ ở Nhật Bản.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất cường độ cao trong thời gian ngắn làm giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim, từ đó cải thiện tuổi thọ.
Đa số người trường thọ ở Vùng Xanh không đến phòng tập thể dục mà kết hợp vận động vào cuộc sống hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hay chơi các môn thể thao nhóm để giao lưu kèm tập thể dục.
Yamamoto cho hay tư thế cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng. Bà cố của cô luôn thẳng lưng. "Tôi nhận thấy những người trăm tuổi và hơn trăm tuổi ở Nhật Bản luôn giữ lưng thẳng, rất kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân", bà nói. "Là con người, chúng ta sẽ có xu hướng khom lưng một chút khi già đi nhưng những người Nhật Bản cao niên luôn giữ tư thế thẳng lưng".
Nghiên cứu cho thấy rằng tư thế tốt giúp cơ thể thoải mái, ngăn ngừa đau đớn và giúp các chức năng hoạt động bình thường.
Hồng Hạnh (Theo Business Insider)