Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung xác nhận Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đã tạm dừng hoạt động. Vị này cũng cho biết sắp tới công ty sẽ tiến hành họp Đại hội cổ đông thường niên, khi đó sẽ chính thức lên tiếng về các vấn đề tồn tại cùng phương án giải quyết nhà máy này.
Nguyên nhân tạm dừng hoạt động được cho là do chi phí sản xuất cao khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường dẫn đến thua lỗ nặng. Bên cạnh đó trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng E5 không thể cạnh tranh với xăng khác, hiện là 13.890 đồng, chỉ thấp hơn 1.230 đồng so với Ron 92 nên chưa thực sự hấp dẫn được người tiêu dùng.
Công ty có hơn 200 nhân sự, để giữ chân lao động hiện nhà máy đã chuyển một số cán bộ chủ chốt sang Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm tạm thời. Phần lớn các kỹ sư, công nhân còn lại được cho nghỉ việc không lương, chờ phương án tiếp theo của công ty.
Về tình trạng tạm dừng hoạt động của nhà máy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Phạm Như Sô yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung khẩn trương có văn bản báo cáo rõ về những khó khăn trong cơ chế thuế, việc tiếp tục cho vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu và các cơ chế tài chính khác (tỷ lệ khấu hao, trợ giá)… Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ sớm có văn bản trình Thủ tướng xem xét, giải quyết.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất được khởi công xây dựng tháng 9/2009 với vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng trên diện tích 24,6 ha tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung hiện nay, chủ yếu sản xuất cồn Ethanol 99,8% từ sắn lát, công suất 100 triệu lít một năm. Sau 18 tháng thi công, ngày 3/2/2012 nhà máy chính thức cho ra mắt dòng ethanol đầu tiên.
Công ty được thành lập với 3 cổ đông sáng lập là 3 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bao gồm Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) góp 30%, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) chiếm 60% và Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) góp 10%. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị đều lần lượt thoái vốn khỏi dự án nên Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện là cổ đông lớn nhất và nắm gần 100% vốn điều lệ.
Theo Cục thuế Quảng Ngãi, hiện dư nợ vay đầu tư của Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng. Chưa kể mỗi năm doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi doanh nghiệp đầu tư 7% mỗi năm). Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) trong quý IV/2015 do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất ra đời trong bối cảnh thực hiện "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" tại Việt Nam. Mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Theo đề án, từ ngày 1/12/2015 xăng E5 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc. Khi các dự án nhà máy sản xuất xăng sinh học ra đời, người tiêu dùng đã chờ đợi và hy vọng được sử dụng loại xăng giá rẻ, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ, các nhà máy nhiên liệu sinh học với quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng đã lần lượt thông báo tạm dừng hoạt động gồm nhà máy ở Phú Thọ, Quảng Nam, Đăk Nông và Bình Phước.
Ethanol là nhiên liệu sinh học được sử dụng phổ biến trên thế giới. Ethanol được sử dụng để pha trộn với xăng theo các tỷ lệ để cho ra đời các loại xăng E5 (xăng chứa 5% ethanol), E10 (10%), E85 (85%) và E100 (100%). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ethanol sản xuất từ ngũ cốc giảm được 40% phát thải khí nhà kính so với xăng, và giảm tới 100% đối với ethanol sản xuất từ nguyên liệu cellulose và từ mía. Các nhà khoa học, truyền thông đã nhiều lần lên tiếng khẳng định xăng E5, thậm chí E10, E20 trên động cơ thông thường đang phổ biến tại Việt Nam không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới tính năng của phương tiện. Thậm chí dùng các loại xăng sinh học còn giúp các loại xe máy, ôtô khởi động, tăng tốc tốt hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng. |
Bạch Dương