Ngày 26/7, đoàn công tác do lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn đầu đã có kết luận sau khi tổ chức thanh tra Nhà máy sản xuất Sô Đa Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam).

Khu vực xung quanh nhà máy Sô Đa luôn bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo biên bản thanh tra, nhận được tin báo của người dân xã Tam Hiệp về việc nhà máy Sô Đa Chu Lai xả thải ra môi trường không qua xử lý, Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường phối hợp với nhiều cơ quan đã tới làm việc về tình trạng xả thải. Đoàn ghi nhận nước tại khu vực cạnh tường rào nhà máy có màu đen sẫm, cá chết nổi nhiều trên mặt nước; có một số chết đã lâu, một số chết chìm dưới đáy và một số đang trương bụng trên mặt nước.
Qua xem xét, mương nước không có nguồn tiếp nhận từ xung quanh, ngoại trừ nguồn phát sinh từ nhà máy. Đoàn xác định có hai cửa xả từ cống thoát nước mưa có lẫn cặn than cám xả ra mương vừa bị lấp đất và gạch. Đoàn đã lấy mẫu tại mương và tại cửa xả thải, kết quả kiểm tra nhanh PH tại cửa xả và tại mương thoát nước có cùng nồng độ là 9,5PH, vượt mức cho phép.

Cá chết hàng loạt vì nước thải của nhà máy không theo quy định. Ảnh: Tiến Hùng.
Kết luận của đoàn thanh tra cho thấy, nhà máy này đã không thực hiện đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi trường; không thu gom triệt để chất nguy hại như thùng đựng dầu cặn, sơn để ngoài trời, đổ tràn chất thải nguy hại ra môi trường. Kho lưu trữ chất thải không có cảnh báo, không có rãnh thu gom chất thải lỏng...
Nhà máy còn có hàng loạt sai phạm khác như: không kê khai, lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại, không có số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không báo cáo quản lý chất thải nguy hại cho cơ quan nhà nước, lưu giữ chất thải quá 6 tháng không báo cáo chính quyền. Công ty chưa có giấy phép xả nước thải ra ngoài môi trường.
Đoàn thanh tra yêu cầu công ty phải khắc phục những tồn tại nói trên, trước mắt là tình trạng ô nhiễm tại mương thoát nước mưa cạnh tường rào nhà máy, vớt toàn bộ cá chết để xử lý hợp vệ sinh, thu gom nước vệ sinh công nghiệp qua hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Công ty cũng phải nạo vét toàn bộ bùn trong hệ thống cống thoát nước mưa tránh tình trạng nước mưa cuốn chất nhiễm bẩn tiếp tục gây ô nhiễm.

Mặc dù chưa có giấy phép nhưng nhà máy này vẫn xả thải ra môi trường. Ảnh: Tiến Hùng.
Tại buổi làm việc với đoàn, đại diện Nhà máy sản xuất Sô Đa Chu Lai cam kết khắc phục ngay các tồn tại nêu trên, đồng thời chấp hành kết luận của đoàn thanh tra và các biện pháp xử lý (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó đầu tháng 2, Tổng cục Môi trường đã thanh tra nhà máy này và phát hiện nhiều sai phạm, xử phạt hành chính hơn 730 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay đơn vị chưa khắc phục vi phạm, mới nộp phạt 200 triệu đồng.
Nhà máy Sản xuất Sô Đa Chu Lai có tổng vốn đầu tư 120 triệu đôla, được xây dựng trên diện tích 60 ha thuộc Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Công suất thiết kế 200.000 tấn/năm với các chủng loại sản xuất chính là sô đa nặng và sô đa nhẹ đáp ứng nhu cầu cho ngành sản xuất thủy tinh và kính xây dựng; công nghiệp tẩy rửa, bột giấy, giấy...
Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân địa phương nhiều lần kéo đến phản ứng về tình trạng tiếng ồn cũng như việc xả thải gây ô nhiễm.
Tiến Hùng