Thứ hai, 6/1/2025
Thứ tư, 27/5/2015, 12:05 (GMT+7)

Nhà máy thép hơn 1.700 tỷ đồng bỏ hoang

Từng là niềm tự hào của địa phương nhưng sau 8 năm, dự án nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh vẫn nằm im, trước khi bị tuyên bố khai tử.

Tổng vốn công bố 1.764 tỷ đồng, dự án Nhà máy liên hợp gang thép được Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cấp giấy phép từ tháng 6/2007. Nằm trên diện tích đất gần 26 ha tại xã Kỳ Thịnh (Kỳ Anh), theo dự kiến, giai đoạn I của dự án sẽ cho công suất 250.000 tấn một năm, giai đoạn 2 là 500.000 tấn.

Ngoài chủ đầu tư là Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh, dự án còn có hai cổ đông chính là Công ty Vạn Lợi và Công ty đầu tư khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội). Mục tiêu đặt ra là đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên.

Ở khâu thiết kế, nhà máy được giao cho một công ty Trung Quốc đảm nhận. Hệ thống máy móc dùng để vận hành cũng được nhập mới từ nước này. Theo tính toán của nhà chức trách Hà Tĩnh, dự án hoàn thành có thể giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Tuy nhiên, nhiều năm nay, khu vực này không có bóng một công nhân.

Giai đoạn 2007-2010, khi dự án đang tiến hành thi công dở một số hạng mục thì bị đình trệ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc đã bị "bỏ quên" với lý do thiếu vốn từ chủ đầu tư. Để cứu vãn, tỉnh đã huy động các ngân hàng có chi nhánh tại địa phương cho vay với số tiền hơn 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ khi được các ngân hàng rót vốn, dự án vẫn không có thêm tiến triển đáng kể nào. Trong thời gian 2010-2015, công trình vẫn nằm im lìm trên khu đất ngay ngã ba Vũng Áng. Để tránh mất cắp vật liệu, chủ đầu tư đã điều khoảng 20 bảo vệ túc trực xung quanh khuôn viên nhà máy.

Rất nhiều cấu kiện, ống thép trước kia được nhập về để phục vụ cho dự án nằm hoen gỉ ngoài trời.

Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp và làm việc với đại diện chủ đầu tư để cứu vãn tình thế nhưng đều không có kết quả khả quan. 

“Thời điểm đầu tư xây dựng nhà máy lại vướng vào khủng hoảng kinh tế, từ đó tiền trượt giá, vốn đầu tư lại tăng lên nên mới xảy ra tình trạng này”, lãnh đạo Công ty gang thép Hà Tĩnh lý giải nguyên nhân.

Trước thực tế dự án sắp “khai tử”, lãnh đạo các ngân hàng có cho chủ đầu tư vay vốn cũng đang loay hoay tìm hướng giải quyết. Ông Bùi Đại Thắng, Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Hà Tĩnh cho hay đơn vị này đã cho chủ đầu tư vay gần 50 tỷ đồng. 

“Các ngân hàng có cho vay vốn đang ngồi lại với nhau tìm giải pháp khả thi. Phương án đưa ra là có thể tìm đối tác có năng lực tham gia đầu tư tiếp. Nếu không thu hồi nợ được thì sẽ phải xử lý rủi ro”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai không thu về được kết quả. Ngày 19/5, ông Đặng Văn Thành, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã ký quyết định chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy thép gửi chủ dự án, các chi nhánh ngân hàng và những bên liên quan.

Các ngân hàng được yêu cầu phải phối hợp với Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh lập kế hoạch, có phương án bảo vệ tài sản, xử lý tài chính và các nghĩa vụ khác có liên quan đến dự án trước và trong quá trình thanh lý dự án.

Theo Phó giám đốc BIDV Hà Tĩnh, sau khi Ban Quản lý Khu kinh tế giao chủ đầu tư và ngân hàng giải quyết các cơ sở vật chất, các đơn vị này có thể sẽ thuê cơ quan định giá, bán lại tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với hiện dự án, vị này cho rằng giá trị thu về sẽ hao hụt rất nhiều.

Đức Hùng