Các nhà máy của Samsung Việt Nam đã hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán và đã bắt tay lắp ráp sản phẩm mới, trong đó có loạt Galaxy S20 mới ra mắt. Tuy nhiên, quá trình sản xuất hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc - nơi đang bùng phát dịch viêm phổi corona.
Kể từ khi virus corona bùng phát tại thành phố Vũ Hán và lan sang các khu vực lân cận, Việt Nam và Trung Quốc đã hạn chế giao thương, đồng thời cũng giảm các thủ tục hải quan đối với hàng hóa quan trọng. Đến ngày 11/2, hàng trăm container vật liệu nhập khẩu vẫn bị giữ tại cửa khẩu Hữu Nghị ở tỉnh Lạng Sơn.
Một tài xế giấu tên nói với Nikkei rằng, người lái xe tải đi từ Trung Quốc vào Việt Nam buộc phải cách ly 2 tuần. "Tôi đã phải ở thêm một tuần tại cửa khẩu để chờ giao hàng và không muốn phải chôn chân ở đây thêm 14 ngày nữa", người này cho biết.
Samsung hiện có 3 nhà máy tại Việt Nam, trong đó lớn nhất là chi nhánh ở Thái Nguyên với gần 60.000 nhân viên. "Khu phức hợp ở Thái Nguyên là nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất của Samsung. Các thiết bị được tạo ra ở đó được bán trên toàn cầu", một quan chức Samsung nói với Nikkei.
"Nhà máy hiện hoạt động bình thường", một công nhân 20 tuổi đang làm việc tại nhà máy Thái Nguyên, cho biết. "Các nhà quản lý ý thức được nguy cơ tiềm ẩn từ virus corona và thường xuyên nhắc nhở công nhân thực hiện các biện pháp tự bảo vệ trong giờ làm việc, chẳng hạn rửa tay và đeo khẩu trang".
Một công nhân khác tại đây nói rằng nhà máy đang chịu áp lực tránh lây nhiễm. "Hàng trăm đồng nghiệp của tôi đang tự cách ly ở nhà theo yêu cầu của công ty, do đã về quê ở các vùng biên giới", người này cho biết. "Họ vẫn được hỗ trợ lương đầy đủ".
Ngoài ra, công ty này cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chống lây nhiễm bằng cách thiết lập nhiều trạm kiểm soát tại cổng nhà máy để phát hiện những công nhân có nguy cơ về sức khỏe.
Việt Nam hiện là cơ sở sản xuất ở nước ngoài lớn nhất của Samsung, là nơi tạo ra loạt thiết bị cao cấp gồm Galaxy Fold, Galaxy S10, Note10, S20... Doanh thu từ Việt Nam chiếm 30% tổng doanh thu của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc năm 2018.
Bảo Lâm